Iran ngày 20-1 cảnh báo sẽ từ bỏ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 nếu các quốc gia Liên minh châu Âu đệ đơn khiếu nại Tehran lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Nếu người châu Âu tiếp tục hành vi không phù hợp hoặc gửi hồ sơ Iran tới Hội đồng Bảo an, chúng tôi sẽ rút khỏi NPT” - Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tuyên bố theo hãng thông tấn IRNA.
NPT là tên viết tắt của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968, được xem là công cụ ngăn chặn việc chạy đua phát triển loại vũ khí nguy hiểm này.
Lò phản ứng hạt nhân của Iran. Ảnh: RT
Tuần trước, ba thành viên Liên minh châu Âu là Pháp, Đức và Anh đã chính thức gửi khiếu nại rằng Iran đang vi phạm Kế hoạch hành động chung toàn diện năm 2015 (JCPOA) về chương trình hạt nhân của nước này.
Các quốc gia liên quan hiện có 60 ngày để giải quyết tranh chấp. Mặt khác, vấn đề có thể được đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi sẽ bỏ phiếu xem có áp dụng lại các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo hay không.
Ngoại trưởng Zarif gọi quyết định khiếu nại nói trên là “trò chơi chính trị”. Nhà ngoại giao Iran giải thích rằng nước này đã giảm bớt các cam kết của mình theo JCPOA theo các cơ chế được đưa ra trong thỏa thuận và chỉ thực hiện sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018 và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói JCPOA bị “khiếm khuyết từ cốt lõi” và cáo buộc Iran đã bí mật vi phạm thỏa thuận này.
Iran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và nhiều báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại thời điểm đó xác nhận rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đang tuân thủ thỏa thuận.
Một năm sau đó, Iran bắt đầu giảm dần các cam kết và liên tục nói rằng họ sẽ trở lại tuân thủ đầy đủ một khi Liên minh châu Âu đưa ra biện pháp giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Iran đã ngừng theo thỏa thuận hoàn toàn vào đầu tháng này, ngay sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hạ sát Tướng Qassem Soleimani của Iran tại Baghdad (Iraq).
Trong khuôn khổ NPT, các quốc gia không có vũ khí hạt nhân sẽ bị cấm mua hoặc phát triển những vũ khí này trong tương lai.