Tờ South China Morning Post đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã kêu gọi tập đoàn năng lượng Nga Rosneft xem xét hợp tác với Manila trong hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông.
Trước đó, Philippines đã đưa ra đề nghị hợp tác khai thác chung với Trung Quốc tại khu vực tranh chấp giữa hai nước.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Lời mời được đưa ra trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Philippines, diễn ra từ ngày 1-10 đến ngày 5-10. Tại đây, ông đã có cuộc gặp giám đốc điều hành Igor Sechin và một số quan chức cấp cao khác của Rosneft.
"Tổng thống Duterte đã mời Rosneft, công ty dẫn đầu lĩnh vực dầu mỏ Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt là đầu tư phát triển dầu khí, và đảm bảo với các công ty này rằng những khoản đầu tư của họ sẽ được an toàn ở Philippines", người phát ngôn và cố vấn pháp lý cho Tổng thống Philippines, ông Salvador S. Panelo nói hôm 3-10.
Trước đó, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Sorreta cho biết các công ty năng lượng Nga đang quan tâm tới việc khai thác dầu khí ở Philippines, và các thỏa thuận như vậy với Nga sẽ không tổn hại đến quyền lợi của Manila trong khu vực, theo trang tin Rappler.
Theo ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Đại học Tế Nam, Quảng Đông, có những dấu hiệu cho thấy Philippines dường như đang học cách mời các công ty Nga hợp tác ở vùng biển tranh chấp ở biển Đông, bởi vì các công ty Nga là những "đối tác lý tưởng".
Về phía Nga, vì mối quan hệ đối tác đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, Moscow duy trì quan điểm trung lập ở biển Đông.
Nhà nghiên cứu Aaron Rabena, đến từ Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở ở Manila, cho rằng còn quá sớm để nói liệu ông Duterte có theo đuổi chiến lược hợp tác với Nga, đặc biệt là khi Bắc Kinh và Manila đã thống nhất hợp tác khai thác dầu khí chung trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 8 vừa rồi.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục có hành vi đe dọa các hoạt động khai thác kinh tế của các nước biển Đông, bao gồm Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc từ tháng 7-2019 điều tàu Địa chất hải dương 8 đi vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh muốn ngang ngược ngăn cản các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam chiếu theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.