Hãng tin Reuters ngày 3-8 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore sắp tới, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đặc biệt bàn về vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Cụ thể, bà sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông, củng cố hiện diện của Mỹ và tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng với các nước trong khu vực.
"Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào độc chiếm Biển Đông hoặc dùng sức mạnh để đe doạ chủ quyền của nước khác. Phó Tổng thống Harris sẽ nêu ra tầm quan trọng của việc giữ vững tự do thương mại, tự do đi lại ở Biển Đông" - quan chức nói trên cho hay.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong một phiên đối thoại đối thoại với doanh nghiệp ở thủ đô Washington D.C ngày 29-7. Ảnh: REUTERS
Người này còn cho rằng Singapore và Việt Nam là những đối tác quan trọng của Mỹ, xét về vị trí địa lý, quy mô kinh tế, quan hệ thương mại với Mỹ. Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước này với Mỹ là việc nên cân nhắc.
Trước đó trong tuyên bố xác nhận chuyến đi của bà Harris ngày 30-7, Nhà Trắng cho biết bà Harris sẽ thảo luận với chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore về các vấn đề lợi ích chung, gồm an ninh khu vực, phản ứng toàn cầu với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, và nỗ lực chung của chúng tôi trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
"Cả Phó Tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden đều đặt mục tiêu xây dựng lại các mối quan hệ hợp tác toàn cầu của Mỹ và giữ vững an ninh quốc gia Mỹ. Chuyến đi tới đây là một phần của mục tiêu đó, làm sâu sắc mối quan hệ của Mỹ ở Đông Nam Á" - thông báo nêu rõ.
Theo Reuters, bà Harris là phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam. Thông tin chuyến thăm của bà Harris cũng được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 28-7 và 29-7.
Lịch trình của bà Harris dự kiến như sau: Bà sẽ rời Mỹ vào ngày 20-8 và tới thăm Singapore vào ngày 22-8. Sau đó, bà sẽ thăm Việt Nam vào ngày 24-8 rồi về Mỹ vào ngày 26-8.
Chuyến đi của bà Harris cũng diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang ngày càng can thiệp mạnh mẽ hơn vào vấn đề Biển Đông.
Mới đây nhất, đài CNN ngày 3-8 cho biết Đức đã điều một tàu hải quân qua Biển Đông lần đầu tiên trong 20 năm trở lại đây để thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Ngày 2-8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ triển khai bốn tàu chiến tới Biển Đông để tham gia một loạt cuộc tập trận trong suốt hai tháng tới, bao gồm cuộc tập trận hải quân Malabar 2021 với Mỹ, Nhật, Úc. Nhóm tàu chiến này cũng sẽ tham gia các cuộc diễn tập song phương với hải quân các nước ven biển Đông.