Bộ trưởng Bộ ngoại giao của Trung Quốc và Malaysia đã có cuộc gặp mặt tại Bắc Kinh vào hôm 12-9 vừa qua.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương cho các vấn đề hàng hải, một nền tảng mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên”.
Trong thời gian gần đây, các tàu Trung Quốc không ngừng quấy rối các tuyến đường biển trọng điểm, gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines, gây ra mất an ninh và ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp phía Malaysia trong buổi gặp gỡ ngày 12-9. ẢNH: REUTERS
Theo Reuters, Malaysia từng chỉ trích nặng nề những hành động ngang ngược của Bắc Kinh, nhưng gần đây lại không mấy gay gắt. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu chia sẻ: “Họ (Trung Quốc) tôn trọng Malaysia và chưa từng gây ra bất cứ rắc rối nào tính đến nay”.
Được biết Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Malaysia. Hai nước này cũng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa.
Tháng 7-2019, Trung Quốc và Malaysia tái hợp tác xây dựng một tuyến đường xe lửa ở phía Bắc Malaysia. Dự án này thuộc chiến lược "Một vành đai, Một con đường" đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước Trung Quốc và Malaysia diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành đưa các đội tàu ra biển Đông quấy rối hoạt động kinh tế các nước. Theo thông tin được đăng tải trên sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), cuối tháng 5 vừa qua, tàu Haijing 35111 đã tiến hành tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza. Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với tàu khác.
Sau khi bị tàu Trung Quốc quấy rối và đe dọa, hôm 15-7 hải quân Malaysia (RMN) đã có cuộc tập trận với sự kiện phóng thử tên lửa. Vị trí tập trận được cho là gần địa điểm có chạm trán với Trung Quốc trước đó không lâu. Sự kiện này là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn được gọi là “Kerismas” và “Taming Sari”, chuyên trang quân sự Janes cho biết. Phản ứng này cho thấy Malaysia hoàn toàn không hài lòng với động thái đe dọa bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Trong khi đó, kể từ đầu tháng 7-2019, Trung Quốc nhiều lần đưa nhóm tàu Địa chất hải dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng phản đối.
"Các diễn biến căng thẳng gần đây (tại biển Đông) cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn việc khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào nằm trong đường chín đoạn phi lý", Giám đốc của AMTI, ông Gregory Poling nói với trang Inquirer.
Đồng thời, ông Poling cảnh báo rằng Philippines cũng có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự như Malaysia và Việt Nam tại một số vị trí ở biển Đông. Mặc dù đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vào năm 2016 nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận phán quyết.
“Khi các bên khác chống lại sự bắt nạt đó và tiếp tục các hoạt động thương mại của họ, như Malaysia và Việt Nam, Trung Quốc thường lùi bước và thử lại vào một lúc khác” - chuyên gia Poling nói.
Trong khi đó, việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn đang diễn ra. Các chuyên gia cảnh báo ASEAN cần thận trọng trước ý đồ mượn diễn đàn đa phương để đàm phán theo kiểu song phương. Trung Quốc vẫn theo đuổi chủ trương đàm với từng quốc gia ASEAN thay vì với một chủ thể ASEAN duy nhất.