Chuyện bắt đầu từ việc Malaysia ngày 12-12-2019 gửi công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (LHQ) một báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Trong ngày này, TQ gửi công hàm lên LHQ bác báo cáo của Malaysia, nhắc lại yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Ngày 6-3, Philippines gửi hai công hàm lên LHQ. Một công hàm nêu ý kiến về công hàm của Malaysia. Công hàm thứ hai phản đối công hàm của TQ, tuyên bố các yêu sách của TQ không phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ngày 23-3, TQ gửi công hàm bác công hàm của Philippines.
Ngày 30-3, Việt Nam gửi công hàm lên LHQ bác các yêu sách của TQ trong hai công hàm trước đó. Ngày 26-5, Indonesia gửi công hàm lên LHQ phản đối công hàm ngày 12-12-2019 của TQ. Đến ngày 1-6, Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách TQ ở Biển Đông vì không phù hợp UNCLOS.
Trong một bài viết trên trang tin Modern Diplomacy - chuyên phân tích các vấn đề pháp lý, TS Ahmad Almaududy Amri cho rằng việc các nước trong khu vực và Mỹ không phản đối các yêu sách của TQ bằng các tuyên bố hay thông cáo như trước đó mà đồng loạt gửi công hàm lên LHQ là diễn biến rất đáng lưu ý. TS Amri làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu và hoạch định chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia. Theo ông, động thái này của các nước một phần lớn nhờ vào phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền đường chín đoạn của TQ ở Biển Đông.
Không chỉ các nước có tranh chấp Biển Đông, Indonesia thời gian qua liên tục phản đối rằng yêu sách đường chín đoạn của TQ thiếu nền tảng luật pháp quốc tế và điều đó đã được xác nhận qua phán quyết của Tòa Trọng tài. Theo TS Armi, sự phản đối của hàng loạt nước sẽ làm suy yếu yêu sách của TQ ở Biển Đông, trong đó có suy yếu về mặt pháp lý. Lưu ý, phản đối của các nước dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài vốn được thành lập phù hợp với Điều 297 UNCLOS. Trong khi đó, TQ một mình một đường với yêu sách dựa vào lịch sử mà Tòa Trọng tài đã bác bỏ.