Biển Đông:Mặt trận pháp lý bác yêu sách của Bắc Kinh thêm chắc

Theo hãng thông tấn Antara News (Indonesia) ngày 24-10, Bộ Ngoại giao Indonesia đã xác nhận rằng một loạt quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực này.

Thời gian qua, các quốc gia thành viên ASEAN và một số quốc gia lớn khác đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong năm nay, Indonesia đã gửi công hàm lên LHQ hai lần vào các ngày 26-5 và 12-6.

"Điều này có nghĩa là các nước này đã nói với LHQ rằng chúng tôi không muốn bất kỳ sự vi phạm nào đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và không muốn UNCLOS bị cắt giảm hoặc làm cho mơ hồ" - ông Damos Dumoli Agusman, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Hiệp ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 23-10.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: REUTERS


Liên quan việc đệ trình công hàm, ông Agusman tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông "sẽ vẫn là phi pháp chừng nào họ tiếp tục phản bác. Hơn nữa, công hàm không phải là một lập luận chính trị mà là một lập luận pháp lý được chứng minh theo luật pháp quốc tế".

Ông Agusman gọi "cuộc chiến công hàm" là cuộc xung đột về lập luận pháp lý trên quy mô quốc tế giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các bên tham gia UNCLOS.

Trong năm nay, Trung Quốc đã sáu lần gửi công hàm tới LHQ để nêu yêu sách đối với lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông. Các công hàm này là phản ứng của Bắc Kinh đối với việc Malaysia ngày 12-12-2019 đệ trình hồ sơ lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của UNCLOS, liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Thời gian qua, một số nước lớn khác cũng đã tham gia làn sóng bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Pháp, Anh và Đức ngày 16-9-2020 đã gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với bảy công hàm phía Trung Quốc đề nghị lưu hành tại LHQ liên quan đến hồ sơ mở rộng thềm lục địa của Malaysia trình CLCS.

Đây là lần đầu tiên cả ba nước cùng gửi một công hàm có chung nội dung liên quan đến Biển Đông và UNCLOS tới Tổng thư ký LHQ.

"Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các bên tham gia UNCLOS 1992, muốn nhấn mạnh quan điểm pháp lý của họ, đặc biệt là tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải" – ông Agusman dẫn công hàm của Anh, Pháp, Đức cho biết.

Các bên có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc và Đài Loan.

Indonesia, Thái Lan, Singapore, Campuchia và Lào là các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm