Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang, năm 2023, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và 10 Huyện ủy, Thành ủy biên giới, biển đảo của tỉnh đã chủ động phối hợp quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định về nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh nhà.
Cụ thể, các đơn vị đã phối hợp lãnh đạo thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang về các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU).
Đơn vị đã phối hợp tổ chức 142 cuộc tuyên truyền về chống khai thác IUU cho khoảng 9.000 ngư dân; hướng dẫn cho hơn 5.000 chủ tàu và hơn 16.000 thuyền viên viết cam kết không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; phát hơn 3.000 tờ rơi, hơn 5.000 thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang...
Ngoài ra, BĐBP vận động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định; phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển và chống vi phạm IUU hơn 1.000 cuộc với khoảng 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; qua đó, phát hiện, bắt giữ và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 34 vụ với 55 phương tiện và 47 người vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 7,5 tỉ đồng.
Mặt khác, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục kiểm ngư Sở NN&PTNT tổ chức tuần tra 5 cuộc, xử lý 56 tàu cá vi phạm; phối hợp cùng với lực lượng Công an, Quân sự, Phòng Kinh tế TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 tuần tra kiểm soát trên biển khoảng 100 cuộc.
BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công 3 chuyên án, bắt giữ 390 vụ với 481 đối tượng vi phạm, thu giữ nhiều tang vật, hàng hóa có giá trị.
Năm 2023, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 200 cuộc tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới; tuyên truyền, giải thích cho năm hộ dân đang thuê đất tại khu vực từ mốc 293/2 đến mốc 295 (thuộc huyện Giang Thành). Từ đó, giúp người dân Campuchia hiểu rõ phần đất họ đang thuê canh tác là đất của Việt Nam; đồng thời, tuyên truyền người dân trong quá trình canh tác gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những hộ dân chấp hành nghiêm nghị định thư phân giới cắm mốc và chủ trương của địa phương, không canh tác vượt quá đường biên giới, bảo đảm thuận lợi cho quá trình hỗ trợ những diện tích bị ảnh hưởng do quá trình phân giới cắm mốc của Nhà nước.