Biểu tình Bangladesh: Khẩn trương lập chính phủ lâm thời; Mỹ, Nga lên tiếng

(PLO)- Tình trạng biểu tình Bangladesh leo thang nghiêm trọng khi đám đông quá khích phóng hỏa, đập phá các cơ sở chính phủ dù Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và ra nước ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc biểu tình ở Bangladesh những ngày qua leo thang chưa từng có, bắt nguồn từ phong trào sinh viên phản đối các quy định tuyển dụng công chức ở nước này, sau đó leo thang thành bạo loạn.

Diễn biến biểu tình

Theo tờ Dhaka Tribune, sau khi Thủ tướng Bangladesh - bà Sheikh Hasina từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước hôm 5-8, tình trạng bạo lực diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tính riêng ngày 5-8, ít nhất 135 người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn, khi đám đông biểu tình đụng độ với cảnh sát.

biểu tình Bangladesh
Người biểu tình kích động đốt phá nhiều phương tiện trên phố ở Bangladesh ngày 5-8. Ảnh: DHAKA TRIBUNE

Tình trạng bạo lực bùng lên khắp nơi, đám đông biểu tình phóng hỏa, đập phá nhiều cơ quan nhà nước, một số người biểu tình kích động còn thiêu sống nạn nhân trên đường,... Tình hình leo thang cực kỳ nghiêm trọng.

Theo Dhaka Tribune, chiều 5-8 (giờ địa phương), một đám đông mang theo dùi cui và đá đã xông vào một nhà tù ở quận Sherpur (miền bắc Bangladesh) đập phá, khiến hơn 500 tù nhân vượt ngục.

Bên cạnh đó, đám đông biểu tình còn đập phá các cơ quan chính phủ, đốt đồn cảnh sát địa phương, cướp phá các cửa hàng buôn bán,...

Sinh viên đã xuống đường ở nhiều thành phố khác nhau của Bangladesh vào đầu tháng 7 phản đối các quy định tuyển dụng công chức ở nước này. Tuy nhiên tình trạng bất ổn ở Bangladesh từ đó ngày càng nghiêm trọng, với các cuộc biểu tình dần leo thang thành bạo loạn.

Liên quan vụ Thủ tướng Hasima lên trực thăng rời khỏi đất nước, truyền thông Ấn Độ đưa tin máy bay của bà Hasina đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hindon gần TP Ghaziabad (bang Uttar Pradesh). Hiện vẫn chưa rõ bà Hasima sẽ đi đâu tiếp theo. Có thông tin cho rằng bà Hasina có thể sẽ tới Anh để xin tị nạn chính trị.

Cấp tập họp bàn, lập chính phủ lâm thời

Tối 5-8, Tổng thống Bangladesh - ông Mohammed Shahabuddin đã đồng ý thành lập chính phủ lâm thời để điều hành đất nước sau khi bà Hasina từ chức, theo tờ Prothom Alo.

Ông Shahabuddin đưa ra quyết định trên trong cuộc họp ở Văn phòng Tổng thống Bangladesh (còn gọi là Bangabhaban) - nơi ông Shahabuddin cùng với những người đứng đầu Lục quân, Hải quân, Không quân, lãnh đạo các đảng phái chính trị và các thành viên các nhóm dân sự của Bangladesh thảo luận về tình hình hiện tại của đất nước.

biểu tình Bangladesh.jpg
Đám đông biểu tình xông vào dinh thủ tướng Bangladesh ngày 5-8. Ảnh: AFP

Đến khoảng 4 giờ 15 phút sáng 6-8, các điều phối viên của Phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử Bangladesh công bố kế hoạch xây dựng chính phủ lâm thời, theo đó đề xuất TS Muhammad Yunus đứng đầu chính phủ này.

Ông Yunus được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006 vì những đóng góp không mệt mỏi trong cuộc chiến chống đói nghèo suốt hơn 30 năm qua, giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về chính phủ lâm thời của Bangladesh, dự kiến sẽ sớm có trong nay mai.

Mỹ, Nga lên tiếng

Trước cuộc biểu tình Bangladesh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mathew Miller cho biết Washington đang theo dõi sát tình hình, đồng thời kêu gọi Bangladesh thành lập chính phủ lâm thời một cách dân chủ, hãng AFP đưa tin.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực hơn nữa. Quá nhiều sinh mạng đã mất đi trong vài tuần qua và chúng tôi kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế trong những ngày tới" - ông Miller nói.

"Chúng tôi hoan nghênh thông báo về một chính phủ lâm thời và kêu gọi mọi quá trình chuyển đổi đều được tiến hành theo luật pháp của Bangladesh. Chúng tôi muốn thấy người dân Bangladesh quyết định chính phủ Bangladesh trong tương lai” - ông Miller nói thêm.

Phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng Moscow hoạt động dựa trên tiền đề rằng những thay đổi trong chính phủ Bangladesh là vấn đề nội bộ của quốc gia đó, hãng thông tấn TASS đưa tin.

“Moscow khẳng định việc thay đổi lực lượng chính trị nắm quyền ở Bangladesh là chuyện nội bộ của nước này. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các tiến trình chính trị nội bộ ở đất nước thân thiện Bangladesh tuân theo các chuẩn mực hiến pháp càng sớm càng tốt” - theo Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow hy vọng tình hình chính trị ở Bangladesh sẽ sớm ổn định hơn.

Ông Farhan Haq - phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông Guterres kêu gọi sự bình tĩnh ở Bangladesh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một “quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình, trật tự và dân chủ”, theo kênh Al Jazeera.

Người phát ngôn này cho hay ông Guterres “hoàn toàn đoàn kết với người dân Bangladesh và kêu gọi sự tôn trọng đầy đủ quyền lợi của họ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm