Triều Tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc trong những cuộc biểu tình ở Hong Kong khi TP này bước vào tuần thứ 10 biểu tình rầm rộ.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc “các thế lực nước ngoài” can thiệp các vấn đề Hong Kong, ủng hộ các cáo buộc của Bắc Kinh rằng sự bất ổn này là việc làm của Mỹ.
Cảnh sát lục soát cặp của một người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: AP
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm và các biện pháp của đảng và chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự thống nhất đất nước và bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 11-8 cho hay.
“Lập trường có nguyên tắc của chúng tôi là bất kỳ quốc gia nào, thực thể nào hay cá nhân nào không nên được phép phá hủy tính chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và hệ thống “một quốc gia hai chế độ” bởi vì Hong Kong là Hong Kong của Trung Quốc” - người này nói.
Vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc các thế lực nước ngoài can thiệp vấn đề Hong Kong, vấn đề nội bộ của Trung Quốc, thêm rằng “chúng tôi bày tỏ lo ngại về nỗ lực này và phản đối điều này”.
Ngày 11-8, cảnh sát Hong Kong lần nữa đụng độ với người biểu tình, sử dụng hơi cay để dập tắt biểu tình ở một số khu vực của Hong Kong và bắn đạn cao su trong một nhà ga. Người biểu tình đáp trả bằng cách ném bom xăng và gạch.
Bình Nhưỡng là đồng minh thân cận của Bắc Kinh và chính phủ Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc về thực phẩm và nhiên liệu.Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dao động, đặc biệt khi Trung Quốc sẵn sàng duy trì lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3-2018, quan hệ Triều Tiền và Trung Quốc bắt đầu cải thiện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã liên tục sang thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sang thăm Bình Nhưỡng cách đây hai tháng, trở thành chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên trong 14 năm qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6-2018. Ảnh: Tân Hoa Xã
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tháng trước nói rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong là “việc làm của Mỹ” sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Bắc Kinh “làm điều đúng đắn” trong khi xử lý các cuộc biểu tình.
Bà Hoa cáo buôc Mỹ “can thiệp” vào Hong Kong, đưa ra bằng chứng là các cuộc họp giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với các nhân vật đối lập của Hong Kong.
“Có nhiều gương mặt người Mỹ trong cuộc diễu hành bạo lực ở Hong Kong và thậm chí còn có một số lá cờ Mỹ. Những ai chơi với lửa thì có ngày bị phỏng thôi” -bà Hoa nói.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tuần trước công bố hình ảnh nhà ngoại giao Mỹ Julie Eadeh gặp thủ lĩnh đối lập Hong Kong Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) tại hành lang của một khách sạn sang trọng. CCTV cáo buộc bà Eadeh là “bàn tay đen” đằng sau các cuộc biểu tình.
Biểu tình ở Hong Kong bùng nổ từ đầu tháng 6 khi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ cho phép người dân Hong Kong trình diện trước các tòa án hình sự ở Trung Quốc đại lục. Người dân Hong Kong lo dự luật sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong.
Trái lại, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong.
Dự luật đã dấy lên các cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong để từ khi TP này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Bà Lam kiên quyết từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ người biểu tình ngoài việc đình chỉ dự luật vào lúc này.