Bình Thuận: Hơn 50 cảnh sát khám xét trang trại nghi có dịch tả lợn châu Phi

(PLO)- 25 con heo từ trang trại Tân Long, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bán ra có 3 con dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến 13 giờ 50 phút chiều 28-8, hơn 50 cảnh sát thuộc các lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận vẫn đang kiểm tra đột xuất, khám xét trang trại chăn nuôi heo Tân Long, tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân.

dịch tả lợn
Đường vào trang trại heo Tân Long.

Nguồn tin của PLO cho biết việc khám xét nhằm tiến hành thu mẫu tại chuồng trại và thu thập một số tài liệu liên quan, để xác định có hay không có dịch tả lợn châu Phi tại trang trại heo Tân Long.

Trước đó, vào đêm 24-8, Công an Hàm Tân phát hiện một xe tải mang biển số tỉnh Đồng Nai vận chuyển 25 con heo còn sống lưu thông trên Quốc lộ 55 ra Quốc lộ 1A đi về hướng tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 25-8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an tỉnh Bình Thuận, đã tiến hành kiểm tra hộ bà TTQ ở thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình thì phát hiện tại đây đang nuôi nhốt 25 con heo nói trên.

Toàn bộ số heo này không có hoá đơn, chứng từ, giấy chứng nhận kiểm dịch và nghi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Theo bà Q, số heo này của người quen gửi để chuẩn bị bán cho cơ sở giết mổ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong rồi bán ra thị trường.

dich-ta-lon (1).jpg
Trang trại heo Tân Long nhìn từ trên cao.

Tiếp tục mở rộng điều tra, xác định 25 con heo trên trọng lượng hơn 5 tấn, có nguồn gốc từ trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH chăn nuôi heo Tân Long (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân). Số heo này được bán với giá 38.000 đồng/kg heo hơi và được xe tải vận chuyển từ trại heo Tân Long đến giao tại huyện Bắc Bình.

Công an đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh 25 con heo trên, kết quả xét nghiệm xác định có 3 con heo cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Đối với trại heo Tân Long, trước đó, ngày 28-6, UBND huyện Hàm Tân đã ban hành công văn về việc khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó, xác định tại trang trại heo này đã xuất hiện một ổ bệnh khiến 1 con heo chết do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi và nguy cơ lây lan, bùng phát trên địa bàn huyện là rất cao.

dich-ta-lon (3).jpg
Đến 14 giờ chiều nay (28-8), lực lượng Cảnh sát vẫn đang tiến hành khám xét, lấy mẫu.

Theo Công an Bình Thuận, xác định vụ việc tại huyện Bắc Bình có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, được quy định tại Điều 317 BLHS 2015.

Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã đưa vụ việc vào giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, khám xét trang trại heo này để điều tra, làm rõ.

Được biết, Công ty Tân Long được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 30-11-2019 và trang trại này có quy mô đàn heo 2.400 con.

Công an Bình Thuận cũng dự báo khả năng nguy cơ lây lan, xảy ra dịch tả lợn châu Phi là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng, gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.

Theo Bộ NN&PTNT hiện nay cả nước có 346 ổ dịch thuộc 25 tỉnh, thành và số lợn chết, tiêu hủy là 34.533 con.

Ngày 14-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc.

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang triển khai quyết liệt giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Bộ cũng đã thành lập 35 đoàn công tác đến 35 tỉnh, thành kiểm tra thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm do virus; lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn với tỉ lệ chết gần như 100%. Bệnh không lây sang người nhưng lợn mắc bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn... và những bệnh này sẽ gây nguy hiểm cho con người như rối loạn tiêu hóa khi người ăn phải tiết canh hay thịt lợn bệnh chưa được nấu chín.

Đặc biệt khi bị bệnh tai xanh, vi khuẩn liên cầu trú ngụ trong miệng, mũi của lợn, nếu người có vết thương hở tiếp xúc sẽ bị vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh và sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết một số nơi trên cơ thể. Ngoài ra có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc đường tiêu hóa, nặng hơn có thể bị viêm màng não.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm