Bộ Công an cảnh báo chiêu lừa khiến nhiều người mất tiền tỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bộ Công an cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có nạn nhân “sập bẫy”, thậm chí mất số tiền rất lớn.

Cảnh giác với “lệnh truy nã” gửi qua tin nhắn

Gần đây, một số người phản ánh việc nhận được các tin nhắn “lệnh truy nã”. Nội dung tin nhắn nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.

Khi nhận những tin nhắn có nội dung tương tự nêu trên, không ít người hoang mang vì chưa được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết, từ đó tạo kẽ hở cho tội phạm lừa đảo lộng hành.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa: TP

Bộ Công an khẳng định cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung tương tự là giả mạo, người dân cần cảnh giác, tránh không bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.

Theo đó, việc gửi, thông báo quyết định truy nã đã được quy định rõ tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 do Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ban hành.

Quyết định truy nã phải được gửi đến các địa chỉ gồm: Công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Ngoài ra còn gửi đến Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an); phòng cảnh sát truy nã tội phạm (công an cấp tỉnh), nơi ra quyết định truy nã; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); VKSND có yêu cầu ra quyết định truy nã; VKSND cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã; TAND có yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

Đồng thời, quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

Trung tá - TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, nhận định chiêu trò trên là một dạng lừa đảo mạo danh mà người dân cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng. “Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin giả mạo để đe dọa người dân. Nếu nạn nhân tin, chúng sẽ dẫn dụ, yêu cầu chuyển tiền để chạy án, để xác minh… hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác” - ông Hiếu phân tích.

Vị trung tá khẳng định người dân cần biết rằng “không có chuyện cơ quan công an gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại”, việc thông báo quyết định truy nã phải thực hiện đúng theo quy định của Thông tư liên tịch 13/2012.

Bộ Công an khẳng định cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Ảnh: TP

Dọa bắt giữ để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền

Một thủ đoạn lừa đảo khác đó là các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.

Ví dụ, nghi phạm giả mạo CSGT gọi điện thoại thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền)…

Thông qua cuộc điện thoại, các đối tượng sẽ khai thác thông tin cá nhân của nạn nhân, tiếp đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, rồi chiếm đoạt. Hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng để rút tiền.

Bộ Công an đề nghị người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Trong các trường hợp này, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Lực lượng chức năng, nhất là công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng…

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trong ngành công an tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm