Ngày 6-4, Bộ Công an ra Công điện số 03 gửi thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ và giám đốc công an các tỉnh, TP về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo Bộ Công an, dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội.
Một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật đã có dấu hiệu gia tăng như ma túy, chống người thi hành công vụ; buôn lậu, buôn bán hàng giả; đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế; giết người, cướp tài sản, cướp...
Trong thời gian giãn cách xã hội, tội phạm trên không gian mạng, nhất là đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc trốn, chống đối, không chấp hành quy định cách ly, giãn cách xã hội, không khai báo, khai báo y tế gian dối... ngày càng nhiều.
Do đó, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị sử dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là nhóm tội phạm đã nêu.
Đặc biệt, cơ quan CSĐT các cấp cần nghiên cứu hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan theo quy định của BLHS.
Điển hình như: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240); Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người (Điều 295); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội buôn lậu (Điều 188); Tội đầu cơ (Điều 196); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330)…
“Phối hợp với VKS, tòa án cùng cấp lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm” - Bộ Công an nêu.
Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và có phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ (kể cả phương án y tế). Mục đích là để phòng ngừa các trường hợp chống người thi hành công vụ, không để cán bộ, chiến sĩ thương vong hoặc nhiễm dịch bệnh…