Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chiều 7-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn với yêu cầu cấp bách là cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Trưởng ban.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã triệu tập cuộc họp khẩn chiều 7-7 về cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và vùng dịch. Ảnh: BCT
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là phối hợp với địa phương bảo đảm cung ứng thường xuyên hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân; sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống; hướng dẫn địa phương đẩy mạnh thực hiện mua bán trực tuyến.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cần phối hợp bộ, ngành, cơ quan liên quan để đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh có dịch khác; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung điều tiết điện không để thiếu điện sinh hoạt, điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch trong bất kỳ tình huống nào.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ.
Báo cáo nhanh tình hình chung của TP.HCM và 7 tỉnh phía Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, cho biết trong sáng và trưa ngày 7-7, tại TP.HCM đã có hiện tượng cục bộ là người dân đổ xô đi mua hàng.
Ngay khi nắm bắt được thông tin, Vụ đã trao đổi với Sở Công Thương TP.HCM và đề nghị Sở này có thông tin khuyến cáo với người dân về việc hàng hóa dồi dào, không thiếu và không cần phải tích trữ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, TP.HCM đã tương đối chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn TP.
Như vậy, khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các Trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.
Thứ trưởng Hải yêu cầu, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.