Chiều 29-3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ.
Trả lời báo chí về đề xuất một số thay đổi về công thức và cơ chế giá xăng dầu trong dự thảo nghị định xăng dầu mà Bộ Công Thương vừa hoàn thiện để đưa ra lấy ý kiến, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết dự thảo nghị định lần này dự kiến tiến gần hơn cơ chế thị trường.
Theo đó, nhà nước ban hành công thức giá để doanh nhân tự quyết định giá bán nhưng không cao hơn công thức giá quy định.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ một số bất cập nên dự thảo lần này đang nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về mức trích, chi, thời gian trích, chi sử dụng quỹ.
“Dự thảo nghị định dự kiến quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá xăng dầu để thực hiện. Việc này cũng phù hợp với quy định của luật Giá năm 2023 mới ban hành có hiệu lực từ 1-7-2024” - bà Hiền nói.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, dự thảo hiện nay đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức có liên quan. Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá để hoàn thiện và sau đó lấy ý kiến rộng rãi.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Dự thảo có nhiều nội dung đổi mới, nhưng phải đảm bảo mục tiêu cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường nhưng phải có điều tiết của cơ quan nhà nước.
“Về điều hành giá, chúng tôi đổi mới theo hướng chỉ đưa ra công thức, trên công thức đó doanh nghiệp tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp nhưng không vượt giá trần. Như vậy vừa đảm bảo bình ổn, vừa định hướng thị trường, đảm bảo hài hoà các bên” - ông Tân cho hay.