“Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về việc không biên soạn được một bộ SGK của Nhà nước”

(PLO)- Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo hai nghị quyết trên.

sach-giao-khoa-7346.jpeg
Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản. Ảnh minh hoạ: PLO

“Đến nay, SGK triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung SGK cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”- đoàn giám sát nhận định.

Báo cáo giám sát cho hay từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.

Nhiều lúng túng

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn một số bất cập. Trong đó, tiến độ xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra ban đầu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13. Chương trình mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404 của Thủ tướng.

Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ biên soạn SGK và lộ trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết số 88. Chính phủ đã phải báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Đặc biệt, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng. Việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Theo quy định Nghị quyết số 88, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách); các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.

Việc này, theo Đoàn giám sát, là “chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm Nhà nước” trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là quản lý, cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông, SGK; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc SGK không bảo đảm chất lượng, yêu cầu…

“Trong thực tiễn, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” cùng với việc Bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK”- báo cáo giám sát nêu và cho hay nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK thực hiện chung trên địa bàn cả tỉnh.

“Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nên có 1 bộ sách giáo khoa để sử dụng chung”- báo cáo giám sát nêu.

“Việc thẩm định đối với một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng một số SGK chưa bảo đảm, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11”- theo báo cáo giám sát.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian, chi phí phát hành (chiết khấu) SGK cao, không hợp lý; giá bộ SGK mới cao hơn từ 2-4 lần so với bộ sách cũ. Tình trạng sách lậu, SGK giả diễn ra phức tạp…

Trình Quốc hội quyết việc tiếp tục thực hiện chủ trương giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK

“Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong việc tổng kết thực tiễn, rà soát thực trạng, đánh giá tác động của những chính sách mới trong triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; trong tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành không bảo đảm tiến độ, chất lượng…”- báo cáo giám sát nhận định.

Ngoài ra, Bộ cũng chịu trách nhiệm về việc không tổ chức được việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá SGK khá cao.

Trong phần kiến nghị, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; việc xã hội hóa biên soạn SGK; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn SGK, sử dụng chi phí phát hành SGK trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, Đoàn giám sát kiến nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không tổ chức thực hiện được nội dung “Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” của Nghị quyết số 88/2014/QH13; về việc để xảy ra sai sót đối với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ quan giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước...

Đồng thời nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả; cơ chế xã hội hóa in, phát hành SGK do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả…

Cân nhắc việc yêu cầu Bộ Giáo dục biên soạn một bộ SGK

Trước đó, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát nói trên chiều 14-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị cân nhắc, bỏ nội dung “… giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách SGK của Nhà nước”.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là “nội dung lõi của giáo dục”, là “pháp lệnh”. Còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không”- Bộ trưởng GD&ĐT nêu vấn đề.

“Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không? Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với SGK với tư cách tồn tại mới của chúng. Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới”- lời Bộ trưởng GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp”- ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định không cần lo lắng về an toàn an ninh SGK, do bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đang nắm bản quyền hai bộ SGK. SGK cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm