Bộ KH&ĐT chỉ ra nguyên nhân một số đại gia công nghệ tạm dừng đầu tư vào Việt Nam

(PLO)- Một số đại gia công nghệ trên thế giới có kế hoạch đầu tư, mở rộng tại Việt Nam nhưng sau đó đã chuyển sang thị trường khác, do pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc đánh giá tác động của dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nguyên nhân nhiều "ông lớn" ngành công nghệ tạm dừng đầu tư các dự án tỉ đô vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT cho biết thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước nên họ đã chuyển sang thị trường khác.

Đơn cử như LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó họ đã chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỉ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt nhưng họ đã chuyển sang Ba Lan.

Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí và số lượng lao động công nghệ cao có sẵn, nên cuối cùng doanh nghiệp này đã chuyển sang Malaysia.

Theo cơ quan này, LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỉ USD.

Hỗ trợ đầu tư
Bộ KH&ĐT cho rằng, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá để giữ chân các doanh nghiệp lớn. Ảnh: Intel

Bộ KH&ĐT đánh giá chính sách ưu đãi của Việt Nam về cơ bản đã bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và liên tục được hoàn thiện, tuy nhiên lại thiếu tính đa dạng, cạnh tranh và chưa tương thích với bối cảnh mới.

Theo đó, chính sách ưu đãi của Việt Nam chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Do đó, Việt Nam đang giảm dần cạnh tranh trong thu hút đầu tư và chưa khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài.

Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập. Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến, là các thông lệ trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển.

Trong bối cảnh như trên, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt giữ chân và thu hút các "doanh nghiệp đại bàng".

Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần "thiện chí đồng hành" của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

“Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỉ USD, 30-40 tỉ USD/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỉ USD) và trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới là vô cùng cấp thiết”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Ngoài ra, theo cơ quan này, pháp luật về ngân sách của Việt Nam cũng chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư nên chính sách trên chưa áp dụng được trong thực tế.

Vì vậy, theo dự thảo mới nhất của Bộ, Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ có nguồn thu là ngân sách Nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách Nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hàng năm; và các nguồn khác.

Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Các hỗ trợ chi phí bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm