Bộ phận truyền thông của Nhà nước Hồi giáo (IS) là mục tiêu ưu tiên của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Do đó bộ phận này đã giảm hoạt động về số lượng cũng như chất lượng. Công trình nghiên cứu mới công bố của Daniel Milton thuộc Trung tâm Chống khủng bố của Học viện Quân sự West Point (Mỹ) đã đưa ra kết luận nêu trên.
Bộ máy truyền thông của IS (ảnh) càng rệu rã thêm sau khi “Bộ trưởng thông tin” của IS Wa’il al-Fayad bị máy bay của liên minh tiêu diệt gần Raqqa (Syria) hồi giữa tháng 9. IS mới thông báo xác nhận thông tin này vào ngày 10-10. Wa’il al-Fayad phụ trách giám sát sản xuất các băng video về cắt cổ, tra tấn phát tán trên mạng xã hội.
Công trình nghiên cứu của Học viện Quân sự West Point cho thấy bộ máy tuyên truyền IS đã sụp đổ nhanh chóng từ đầu năm 2016. Theo nghiên cứu, chỉ trong tháng 8-2015, IS đã sản xuất 700 tài liệu băng video và hình ảnh. Nhưng đến tháng 8-2016, con số này giảm chỉ còn khoảng 200 tài liệu.
Về nội dung tuyên truyền, nghiên cứu cho thấy ngày càng ít có hình ảnh tuyên truyền bộ máy của IS hoạt động tốt (trường học, thư viện, cảnh sát, các dịch vụ công...) như các tài liệu trước đó. IS khó giữ vẻ bên ngoài hào nhoáng trong khi đây là yếu tố chúng dụ dỗ người mới tuyển dụng. Song song theo đó, các băng video xử tử gián điệp đặc biệt gia tăng. Đây là dấu hiệu chứng tỏ bọn chóp bu IS đang có tâm lý hoảng sợ và lo ngại làn sóng phản ứng từ trong nội bộ.
Chuyên gia Mỹ JM Berger giải thích bộ máy tuyên truyền của IS ngày càng khó sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền nên hình ảnh ngày càng ít xuất hiện trên Internet, nội dung tuyên truyền cũng kém lạc quan hơn và ít đa dạng hơn. Tất cả điều này sẽ làm cho công tác tuyển dụng của chúng khó khăn hơn.
Trong khi đó, GS Peter Neumann thuộc Trung tâm Quốc tế nghiên cứu cực đoan hóa (Trường King’s College ở London) ghi nhận trước đây IS tuyển người từ bọn cuồng tín tôn giáo, còn nay chúng chú trọng tuyển bọn giang hồ bá đạo. Theo nghiên cứu, 2/3 số phần tử IS có nguồn gốc Tây Âu đều có tiền án.
Tại Đức, cảnh sát ghi nhận 2/3 trong 669 phần tử khủng bố Đức ở nước ngoài đều có tên trong danh sách cảnh sát trước khi chúng sang Syria và 1/3 còn lại là bọn sùng bái ý thức tội phạm. Tại Bỉ, 50% bọn thánh chiến có tiền án trước khi sang Syria. Na Uy và Hà Lan cho biết 60% phần tử thánh chiến nước họ có liên quan đến hoạt động tội phạm.
Khuynh hướng nêu trên ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của IS. GS Peter Neumann cho biết 40% âm mưu khủng bố ở châu Âu được đầu tư bằng tiền thu được từ bán ma túy, trộm cắp, cướp bóc, bán hàng giả, lừa đảo tín dụng. Các xu hướng này của IS rất khác với Al Qaeda bởi Al Qaeda rất chú trọng đến yếu tố bảo vệ Hồi giáo trong hoạt động.