Người dân Việt Nam (VN) đầu tháng 12-2024 đã chứng kiến một sự kiện rất thú vị khi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và CEO của Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang cùng đi trên phố ở Hà Nội, uống bia hơi với các món nhắm dân dã của VN. Sự kiện này diễn ra sau khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đại diện cho Chính phủ VN ký kết với Tập đoàn NVIDIA thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại VN.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm, cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút dòng vốn này ngày càng quyết liệt thì sự kiện này chứng tỏ nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn”.
Bước ngoặt mang tính lịch sử
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Thủ tướng đã cử Bộ trưởng làm đặc phái viên làm việc với các tập đoàn lớn để thu hút họ. Bộ trưởng có thể chia sẻ một chút về việc thu hút Tập đoàn công nghệ khổng lồ NVIDIA?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (ảnh): Chúng ta biết tháng 12-2023, ông Jensen Huang đã đến VN, gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, làm việc với Bộ KH&ĐT, thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và đã khẳng định VN là “quê hương thứ hai của NVIDIA”. Đó chính là một trong những cam kết mạnh mẽ của một tập đoàn mà giá trị kinh doanh cốt lõi của họ gắn với những xu hướng công nghệ cao của thế giới.
Trong hơn một năm qua, với vai trò là đặc phái viên của Thủ tướng, tôi cùng với các bên liên quan đã liên tục làm việc với Tập đoàn NVIDIA theo tinh thần như Thủ tướng nói ở hội nghị tổng kết ngành kế hoạch vừa qua là “thuyết phục tốt, đeo bám tốt”. Đến ngày 5-12-2024, thỏa thuận giữa Chính phủ VN và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về AI của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại VN đã được ký kết. Ông Jensen Huang đã coi ngày 5-12-2024 là ngày “khai sinh” của NVIDIA VN.
Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với VN, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á. Cũng phải nói thêm rằng: Một trong những yếu tố quyết định để không chỉ NVIDIA mà các tập đoàn hàng đầu công nghệ trên thế giới quyết định đầu tư hoặc gia tăng đầu tư vào VN còn nằm ở các đề án cụ thể của Chính phủ. Chẳng hạn như Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
. Thực tế thì như Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng cũng xác nhận, không chỉ NVIDIA mà các tập đoàn lớn như Samsung, Google, Apple, Meta… cũng đã đầu tư và gia tăng đầu tư vào VN.
+ Chúng ta hãy nhìn về thời điểm tháng 9-2023, VN và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một trong những cú hích và là động lực quan trọng để không chỉ các tập đoàn lớn của Mỹ gia tăng đầu tư vào nước ta. Sau đó, những chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ và nhiều quốc gia khác đều truyền đi các thông điệp tích cực về cải cách, về sự sẵn sàng của VN đối với những xu hướng của công nghệ cao, bán dẫn, AI…
Tham gia các chuyến thăm đó, tôi nhận thấy rõ ràng các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Mỹ rất phấn khích, tin tưởng và kỳ vọng vào quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Trong các chuyến công tác tại Mỹ và nhiều nước, làm việc với các tập đoàn lớn, tôi thấy rằng quyết tâm đưa VN vào “kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều được các nước kỳ vọng và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, những chuyển động mang tính cải cách của VN mà Bộ KH&ĐT được giao xây dựng các đề án, tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị ra các quyết sách để Quốc hội thể chế hóa, Chính phủ triển khai… cũng là một trong những lý do khiến các tập đoàn lớn của thế giới tìm đến VN như một điểm đầu tư hấp dẫn, an toàn trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới khó lường hiện nay.
“Các nước đang cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút đầu tư thông qua không ngừng đổi mới, cải cách chính sách.”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Hình thành một hệ tư duy mới
. Vâng, đó là về mặt quyết tâm từ cấp cao. Vậy thưa Bộ trưởng, còn lý do chính yếu nào khác khiến VN “tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI” mà ông mới khẳng định gần đây trong báo cáo ngành kế hoạch?
+ Tôi cho rằng đó là việc cả hệ thống chính trị gần đây đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tầm nhìn về thời điểm “hội tụ” các lợi thế, sức mạnh để cất cánh, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
. Về điểm này, công luận rất ấn tượng với phát biểu của Bộ trưởng về trường hợp TP Dubai với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD được xây dựng chỉ mất năm năm, còn với rừng quy định ở VN thì phải mất 1.500 năm. Phải chăng đây là một trong những “dư địa” để VN chúng ta có thể cải thiện để giữ chân các nhà đầu tư (NĐT), đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cả DN trong nước?
+ Tôi vẫn cho rằng cải cách, hoàn thiện thể chế để kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch, an toàn là một trong những điều kiện tiên quyết. Bởi như tôi nói ban đầu, các nước đang cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút đầu tư thông qua không ngừng đổi mới, cải cách chính sách. Trước đây, nhiều NĐT đã đến VN tìm hiểu cơ hội đầu tư rồi lại… đầu tư ở nơi khác. Nhưng gần đây, tình hình đã thay đổi do những định hướng cải cách lớn của nước ta về cải cách thể chế.
Tư duy chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” phải là cốt lõi trong quản trị quốc gia. Tư duy này có điểm xuyên suốt là mọi quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn… đều phải được công khai, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, có tính tiên liệu. Người dân và DN chỉ cần thực thi đúng. Nhà nước hậu kiểm để kiến tạo, thúc đẩy, phòng ngừa rủi ro khi thực sự cần thiết.
Điều này nếu được tuân thủ triệt để thì các cơ hội phát triển sẽ được tận dụng hiệu quả, công ăn việc làm cho người dân sẽ được gia tăng, thu ngân sách nhà nước sẽ tốt hơn, an sinh xã hội sẽ được bảo đảm ở mức cao và đương nhiên. Chuyện giữ chân các NĐT lớn của thế giới ở lại VN cũng không còn phải là câu chuyện cần đặt ra nữa.
Biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng chúng ta đã khẳng định quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá” cho phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế; thể hiện rõ nét ở quá trình phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, phát huy hiệu quả nguồn lực công và năng lực quản lý cấp thực hiện trong Luật Đầu tư công (sửa đổi).
“Đặc biệt, VN đang chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong Luật sửa đổi, bổ sung bốn luật về đầu tư. Trong đó, kiến tạo “luồng xanh” để rút ngắn thủ tục của các dự án đổi mới sáng tạo, bán dẫn, công nghệ cao trong khu công nghiệp đến 260 ngày để dự án sớm khởi công, đưa vào khai thác, vận hành” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Khai thác tối đa thời cơ mới
. Thưa Bộ trưởng, nói về năm 2025, mới đây Bộ trưởng khẳng định: “Với tâm sáng, bầu nhiệt huyết, trái tim kiên định, bản lĩnh thì chúng ta có thể làm được mọi việc…”. Theo Bộ trưởng, ngoài những điểm nhấn này thì trong chính sách, năm 2025 cần phải tập trung vào những trọng điểm gì để có thể giữ chân được các “đại bàng” đầu tư nước ngoài và phát huy được nội lực trong nước?
+ Chúng ta cần tiếp tục công cuộc cải cách, hoàn thiện thể chế để vừa thu hút các NĐT nước ngoài, vừa đẩy mạnh liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước thông qua chuyển giao công nghệ nhằm cải thiện vị trí của nước ta trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này đòi hỏi quản trị quốc gia cần được đổi mới hơn nữa để theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới.
. Rõ ràng trong một thời gian ngắn, nước ta đã có những chuyển động rất nhanh. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm gì để tiếp tục giữ đà và nâng cao chất lượng những chuyển động tích cực này?
+ Tôi cho rằng ba điểm cốt lõi trong công cuộc này là công tác cán bộ; cải cách hành chính và chuyển đổi số; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu nhằm cắt giảm đến mức tối thiểu chi phí tuân thủ cho người dân và DN.
Tôi tin rằng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, xác định khó khăn, vướng mắc của DN cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tháo gỡ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ phát triển DN lớn, đầu đàn, DN tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa DN trong nước với DN FDI.
. Xin cảm ơn Bộ trưởng.•
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bán dẫn
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), nhận xét với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 11,48%/năm, thị trường bán dẫn VN dự kiến sẽ đạt con số 31,39 tỉ USD vào năm 2029. Qua đó khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của VN trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Chính phủ VN đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào ngành bán dẫn. Đồng thời, VN có nguồn lao động trẻ, đông đảo và có trình độ khi các trường ĐH đang đào tạo một lượng lớn kỹ sư, kỹ thuật viên có khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Chi phí lao động và các yếu tố sản xuất khác tại VN tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho các DN.
“Với những lợi thế cạnh tranh về chính sách hỗ trợ hấp dẫn và hệ sinh thái bán dẫn đang hình thành, VN có tiềm năng lớn tiếp tục thu hút các ông lớn trong lĩnh vực bán dẫn, cũng như trở thành một trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn quan trọng trên thế giới” - bà Linda Tan nói.
PHƯƠNG MINH