Theo đó, để thống nhất nguyên tắc áp dụng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số vấn đề như sau:
Đối với những việc THA đã thi hành một phần hoặc chưa thi hành xong trước ngày 1-9-2015 nhưng đã thực hiện các thủ tục về THA theo đúng quy định của Luật THA dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì kết quả THA được công nhận; các thủ tục THA tiếp theo được thực hiện theo quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Đối với quy định tại các thông tư, thông tư liên tịch hiện hành không còn phù hợp với quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì không được áp dụng, mà áp dụng các quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP để giải quyết. Nếu Nghị định 62/2015/NĐ-CP chưa quy định thì cần chờ các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung để có căn cứ áp dụng; cần thiết thì tổng hợp, báo cáo về Tổng cục THA dân sự để được hướng dẫn cụ thể.
Yêu cầu thi hành án trở lại
Nghị định 62 quy định đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu THA trước ngày 1-7-2015 mà đương sự yêu cầu THA trở lại thì cơ quan THA dân sự đã ra quyết định trả đơn có trách nhiệm phải thụ lý, ra quyết định THA mới, thống kê việc THA là một việc mới và tổ chức việc THA theo quy định.
Trường hợp đương sự yêu cầu xác nhận về việc đã trả đơn thì cơ quan THA dân sự đã trả đơn có trách nhiệm xác nhận cho đương sự.
Người phải THA có trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện THA theo yêu cầu của chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Việc yêu cầu người phải THA kê khai tài sản được thực hiện khi chấp hành viên tiến hành xác minh.
Đối với trường hợp kết quả xác minh trong các việc THA theo yêu cầu cho thấy người phải THA không có điều kiện THA thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA. Khi người được THA hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin điều kiện THA của người phải THA thì chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại điều kiện THA để có căn cứ tổ chức thi hành.
Về chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA cho người thứ ba phải tuân thủ nguyên tắc: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA phải đúng quy định của Bộ luật Dân sự và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của người chuyển giao, người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA.
Về mức phí, cách tính phí thi hành án
Theo quy định tại Nghị định 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự về thủ tục THA dân sự thì “Mức phí THA là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/đơn yêu cầu THA”. Do đó, đối với trường hợp đang tổ chức THA mà cơ quan THA dân sự đã thu đủ 200 triệu đồng phí THA/đơn yêu cầu THA theo quy định thì đương sự đã thi hành xong nghĩa vụ nộp phí THA.
Sau ngày 1-9-2015 mà cơ quan THA dân sự tiếp tục thu được tiền THA thì không tiếp tục thu phí. Đối với những trường hợp chưa thu đủ 200 triệu đồng thì sẽ thu phí THA trên số tiền thực nhận kể từ ngày 1-9-2015 theo các mức phí quy định tại Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.