Bộ Xây dựng nói về đề xuất thu thuế tài sản đối với bất động sản

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà chỉ là điều chỉnh nắn dòng vốn vào các dự án khả thi, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhà ở cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6, tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Xây dựng, báo chí đã đặt câu hỏi về các giải pháp để kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), đặc biệt sau vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh.

Bộ Xây dựng đề nghị sửa Nghị định 153

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho hay liên quan đến quản lý, kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phụ trách. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng luôn phối hợp, tham gia đề xuất giải pháp để quản lý hoạt động phát hành trái phiếu của các DN BĐS.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TRỌNG PHÚ

“Thời gian qua có hiện tượng một số DN BĐS phát hành trái phiếu vượt chỉ tiêu, khiến thị trường phát triển nóng. Về việc này bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo trước Quốc hội, đồng thời đề xuất các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường BĐS, trong đó có kiểm soát chặt chẽ việc kiểm soát phát hành trái phiếu DN BĐS, nhất là trái phiếu riêng lẻ” - ông Khởi nói.

Ông Khởi cũng đính chính lại, Bộ Xây dựng chưa bao giờ đề xuất việc siết trái phiếu BĐS mà chỉ đề nghị có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu của DN BĐS.

“Do thị trường BĐS có sự liên quan mật thiết với thị trường tài chính. Vừa qua thị trường tài chính nóng thì BĐS cũng nóng theo. Đây là sự phát triển không bình thường. Do vậy Bộ Xây dựng cho rằng phải có quy định rõ ràng để dòng vốn huy động từ kênh phát hành trái phiếu này phát triển lành mạnh” - ông Khởi nói và cho biết theo đó, bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa Nghị định 153/2020 (do Bộ Tài chính chủ trì) với mục tiêu để quản lý hoạt động phát hành trái phiếu DN đúng mục đích, tránh phát triển nóng.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết hiện nay nội dung thu thuế tài sản đối với BĐS mới đang trong quá trình đề xuất ý tưởng, chưa chính thức được nghiên cứu.

Đánh thuế đối với tài sản BĐS: Cần nghiên cứu kỹ

Cũng theo ông Khởi, cũng giống các DN khác, các DN BĐS huy động vốn để triển khai dự án, sản xuất sản phẩm qua nhiều kênh như phát hành trái phiếu, liên doanh liên kết góp vốn, vay tín dụng từ ngân hàng và vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là hầu hết DN BĐS trong nước không có vốn chủ nhiều và phụ thuộc vào vốn tín dụng, vay từ ngân hàng. Chính vì vậy thời gian qua khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng thì các DN phải chuyển sang huy động trái phiếu. Và để thị trường BĐS được phát triển lành mạnh, bền vững thì cần thiết phải kiểm soát, định hướng các dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.

“Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất ưu tiên dòng vốn cho các dự án khả thi cao, cung cấp nguồn cung nhà ở ra thị trường nhanh. Bộ Xây dựng mong muốn nguồn vốn tiếp tục được rót vào lĩnh vực BĐS nhưng có điều chỉnh để hiệu quả hơn” - ông Khởi nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung này, chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: “Chủ trương chung là chưa bao giờ siết tín dụng, vốn vào lĩnh vực BĐS mà chỉ kiểm soát, hướng dòng vốn đổ vào những dự án khả thi, phát huy được hiệu quả, cung cấp được nhu cầu nhà ở thiết thực cho người dân”.

Đối với đề xuất nghiên cứu để thu thuế tài sản đối với BĐS, đại diện Bộ Xây dựng cho hay nội dung này vừa qua được Bộ Tài chính đề xuất. Phía Bộ Xây dựng sẵn sàng tham gia, đóng góp ý kiến với mục tiêu kiểm soát giá nhà đất không tăng quá nóng, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. “Tuy nhiên vấn đề đánh thuế đối với tài sản BĐS là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt có tác động trực tiếp đối với người dân đang sở hữu nhà đất. Do đó cần phải được nghiên cứu kỹ” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nêu quan điểm.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết hiện nay nội dung thu thuế tài sản đối với BĐS mới đang trong quá trình đề xuất ý tưởng, chưa chính thức được nghiên cứu. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong những năm tới cũng chưa đưa nội dung này vào xem xét.•

Nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhận định thị trường BĐS năm 2021 có sự phát triển nóng, bất bình thường. Giá nhà đất nhiều nơi tăng nóng, đặc biệt là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.

Nguyên nhân của hiện tượng thị trường BĐS tăng giá nóng trên là do nguồn cung nhà còn hạn chế, nguồn tín dụng vào lĩnh vực BĐS chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời dẫn đến có sự lợi dụng để “nâng giá, thổi giá”. Để chấn chỉnh lại hiện tượng này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc có giải pháp kiểm soát, đặc biệt là công bố thông tin về quy hoạch kịp thời. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương và đánh giá của Bộ Xây dựng so với cùng kỳ năm 2021 và cuối năm 2021, giá nhà đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng chậm lại nhưng vẫn còn cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm