Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16-10-2019, thay thế Thông tư 27/2012/TT-BYT.
Một số nơi vì lợi nhuận đã nhuộm phẩm màu trong thực phẩm. Ảnh: CN
Theo thông tư, nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm là: Sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm phải bảo đảm: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ: Việc sử dụng phụ gia thực phẩm vẫn duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm; tăng cường việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng;…
So với thông tư cũ thì thông tư này cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.
Các trường hợp vi phạm hành chính về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và các văn bản khác có liên quan.
Một số chuyên gia về thực phẩm cho biết những trường hợp sử dụng các phụ gia không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe người dùng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng với các thức ăn màu sặc sỡ.