Sau đó Cơ quan CSĐT công an đã kết luận em trai tôi do không làm chủ tốc độ đi lấn chiếm phần đường đâm vào hai em học sinh lớp 11.
1. Cơ quan CSĐT dùng cụm từ như vậy có đúng không? Khi em tôi là cán bộ công nhân viên chức đang trên đường đi làm và em tôi chưa một lần bị tiền án tiền sự.
2. Hai em học sinh lớp 11 chưa đủ tuổi cấp bằng lái tự ý lấy xe dung tích trên 50 cm3 của người khác khi chưa được sự đồng ý của chủ xe. Vậy hai em học sinh này bị vi phạm những lỗi nào?
3. Với kết luận của cơ quan CSĐT như vậy. Em trai tôi chết thì phía gia đình hai em học sinh kia có trách nhiệm bồi thường cho gia đình tôi không?
4. Em trai tôi chết rồi nhưng do em trai tôi sai thì gia đình vợ con em trai tôi có phải bồi thường gì cho hai em học sinh kia không?
Trả lời
Trước hết chúng tôi xin gửi lời chia buồn với gia đình bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến chúng tôi. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Cơ quan cảnh sát điều tra dùng cụm từ như vậy có đúng không? Khi em tôi là cán bộ công nhân viên chức đang trên đường đi làm và em tôi chưa một lần bị tiền án tiền sự.
Khái niệm “Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội” theo Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định:”Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..”
Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm - người có hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không thì căn cứ vào bốn yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.
Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
”1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm...”.
Hành vi của em bạn đã vi phạm luật an toàn giao thông gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác, em bạn hoàn toàn đủ khả năng nhận thức hành vi, việc vi phạm luật an toàn giao thông là lỗi cố ý đủ yếu tố cấu thành tội quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Do vậy có thể gọi là “người có hành vi nguy hiểm cho xã hội”.
2. Hai em học sinh lớp 11 chưa đủ tuổi cấp bằng lái tự ý lấy xe dung tích trên 50 cm3 của người khác khi chưa được sự đồng ý của chủ xe. Vậy hai em học sinh này bị vi phạm những lỗi nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, hai em học sinh lớp 11 vi phạm những lỗi sau:
+ Em học sinh cầm lái vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, sẽ bị xử phạt hành chính do lỗi vi phạm của mình theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt bao gồm: Hành vi tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định, hành vi tham gia giao thông không mang theo giấy đăng ký xe, hành vi tham gia giao thông không có giấy phép lái xe.
+ Ngoài ra, hai em học sinh có thể bị xử phạt hành chính tội sử dụng tài sản của người khác trái phép.
Theo Điều 141 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau :
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Tuy nhiên, giá trị của xe, chưa đủ để cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác theo Điều 141 Bộ Luật Hình sự. Theo điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 NĐ-CP với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính :
“1. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.”
3. Với kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra như vậy . Em trai tôi chết thì phía gia đình hai em học sinh kia có trách nhiệm bồi thường cho gia đình tôi không?
Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
". Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Theo đó, mặc dù hai em học sinh kia vi phạm luật giao thông nhưng chưa phát sinh hậu quả do hành vi đó, bởi vậy hai em này chỉ chịu trách nhiệm hành chính do hành vi vi phạm, không chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình bạn.
4. Em trai tôi chết rồi nhưng do em trai tôi sai thì gia đình vợ con em trai tôi có phải bồi thường gì cho hai em học sinh kia không?
Như đã nói ở trên, hành vi của em bạn là hành vi vi phạm luật giao thông, trực tiếp gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác, do đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra.
Mặc dù, em trai bạn đã chết nhưng người nhà sẽ phải dùng di sản của em trai bạn bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì phải có bản cam kết thống nhất thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường thiệt hại giữa các bên; ký và ghi rõ họ, tên những người liên quan. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét ra quyết định xử lý hành chính;
- Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận thương lượng được với nhau thì cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn các bên liên hệ với tòa án để giải quyết theo thủ tục dân sự.
Về việc bồi thường, bạn có thể yêu cầu CSGT hướng dẫn giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật.
Chi phí bồi thường thiệt hại có thể căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
"a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."