Người dân Nhật vài ngày qua đang truyền nhau nỗi lo lắng đất nước này có thể sắp phải hứng một trận động đất dẫn tới sóng thần nghiêm trọng không kém thảm họa năm 2011 làm hơn 19.000 người chết.
Nỗi lo xuất hiện khi người dân phát hiện lần lượt bảy con cá mái chèo (hay còn gọi là cá đai, cá dây lưng, một loài cá sống ở vùng biển sâu) chết trôi dạt vào bờ hoặc mắc vào lưới ngư dân.
Cá mái chèo – sứ giả Long Vương báo hiệu thảm họa?
Mới nhất, ngày 1-2, hai con cá mái chèo được phát hiện mắc vào lưới đánh cá của ngư dân ở tỉnh Toyama ở phía Bắc nước Nhật. Đầu tuần này, một con cá mái chèo dài tới 3,2m trôi dạt vào bờ ở vịnh Toyama, trong khi một con cá mái chèo khác dài 4m mắc vào lưới ngư dân ở cảng Imizu phía bắc tỉnh Toyama. Các con cá đã chết và sau đó được đưa vào công viên thủy cung Uozu để nghiên cứu thêm. Năm 2015 có bốn con cá mái chèo được phát hiện ở vịnh Toyama.
Một con cá mái chèo trôi dạt vào bờ biển Nhật. Ảnh: SCMP
Loài cá mái chèo có da trơn ánh bạc và vây màu đỏ, thường sống ở độ sâu 200m-1.000m dưới mặt biển. Theo truyền miệng, loại cá này chỉ dạt vào bờ trước thời điểm xảy ra động đất dưới biển. Thậm chí người Nhật còn có cụm từ riêng nói về loại cá này, đó là “Sứ giả từ Cung điện Long Vương”.
Giai thoại cá mái chèo là một điềm báo thảm họa được chú ý đến nhiều sau thảm họa động đất mạnh kinh hoàng 9 độ Richter kéo theo sóng thần tàn phá một dãi bờ biển Đông Bắc Nhật vào tháng 3-2011 làm gần 19.000 người chết. Ít nhất đã có hơn chục con cá mái chèo trôi dạt vào bờ biển Nhật vào năm 2010, chỉ vài tháng trước thảm họa kinh hoàng này, Kyodo News đưa tin.
“Có gì đó đang xảy ra dưới biển phải không?” – một người dân lo ngại trên Twitter sau thông tin nhiều con cá mái chèo mắc vào lưới ngư dân và giạt vào bờ biển.
“Điều gì đang xảy ra dưới vịnh Toyama?” – một người dân khác đặt câu hỏi.
Người dân Nhật lo ngại cá mái chèo trôi vào bờ biển là điềm báo thảm họa động đất sóng thần. Ảnh: INSTAGRAM
“Đây không nghi ngờ gì là điềm báo cho một trận động đất. Và nếu nó xảy ra ở vùng trũng Nankai thì sẽ là một trận động đất khổng lồ” – một người dân Nhật viết trên Twitter.
Đã từng có ý kiến của nhiều chuyên gia cảnh báo về chấn động ở vùng trũng Nankai vốn chạy song song với bờ biển phía Nam Nhật bên ngoài tỉnh Nagoya đến đảo Kyushu. Chấn động này có thể mạnh lên và dẫn đến sóng thần gây mất mát nhân mạng khổng lồ cũng như tàn phá các vùng duyên hải.
Các nhà khoa học không bác bỏ 100%
Các nhà khoa học Nhật dù bác bỏ giả thuyết này, nhưng cũng không phủ nhận hoàn toàn.
“Không có bằng chứng khoa học nào cho giả thuyết cá mái chèo xuất hiện vào thời điểm sắp có động đất lớn. Nhưng chúng tôi không thể bác bỏ 100% khả năng” – nhà khoa học Kasuka Saiba làm việc tại công viên thủy cung Uozu (Nhật) nói với CNN.
“Đó có thể là do tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự xuất hiện của cá mái chèo, hoặc một nguyên nhân khác chúng ta chưa biết” – theo ông Saiba.
Dù các nhà khoa học trấn an nhưng người dân Nhật vẫn bày tỏ trên mạng xã hội nỗi lo sắp có thảm họa. Ảnh: INSTAGRAM
Theo ông Saiba, có thể có một cách giải thích khoa học là các thay đổi nhỏ, khó nhận thấy ở vỏ trái đất dưới đáy biển trước một trận động đất “có thể khiến nước biển bị khuấy đảo và đẩy các sinh vật dưới đáy biển trồi lên trên mặt biển”.
Tuy nhiên ông Osamu Inamura – Giám đốc công viên thủy cung Uozu lại có giả thuyết khác, rằng các con cá mái chèo đã di chuyển theo đường đi của nguồn thực phẩm của mình, là một loại tôm nhỏ.
“Khi các con tôm này nổi lên mặt nước vào ban ngày, các con cá mái chèo thỉnh thoảng cũng nổi lên theo và vướng vào lưới của ngư dân” – theo ông Inamura.
Giáo sư Ngư học Hiroyuki Motomura tại đại học Kagoshima lại có cách giải thích khác: “Tôi có khoảng 20 mẫu loài cá này trong bộ sưu tập, vì thế có thể nói nó không phải là loài cá cực hiếm. Tôi tin những con cá này nổi lên trên bề mặt khi điều kiện cơ thể không được tốt, nổi lên theo dòng nước, đó là lý do tại sao chúng thường chết khi được phát hiện”.
“Chuyện việc này được cho liên quan đến hoạt động địa chấn có từ rất nhiều năm trước, nhưng không có căn cứ khoa học nào, vì vậy tôi nghĩ mọi người không cần phải lo sợ” – ông Motomura trấn an người dân Nhật.
Chính phủ ra giải pháp phòng bị
Giáo sư Địa chấn học Shigeo Aramaki tại Đại học Tokyo cũng bác bỏ lo ngại này.
“Tôi không phải là chuyên gia về cá, nhưng không có tài liệu khoa học nào chứng minh có sự liên quan khoa học giữa hành vi động vật với hoạt động địa chấn. Tôi hoàn toàn thấy chẳng có lý do gì phải lo và tôi cũng không thấy có báo cáo cập nhật nào về sự gia tăng hoạt động địa chấn ở đất nước này trong những tuần gần đây”.
Bức họa cá mái chèo được vẽ từ năm 1850. Ảnh: CNN
Dù thế chính phủ Nhật cũng thông báo một gói giải pháp cho trường hợp xảy ra động đất ở Tokyo, trong đó có các nước sơ tán người nước ngoài khỏi TP này.
Chính phủ Nhật cũng yêu cầu tăng thông tin đến người dân về các nơi có thể trú ẩn trong điều kiện thảm họa có thể xảy ra, các tuyến đường sơ tán và việc hỗ trợ y tế. Các thông tin này sẽ được thông báo bằng nhiều thứ tiếng thông qua các trang web thông tin thảm họa.