Ngày 15-11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia tổ chức hội nghị bàn giải pháp thực hiện Quyết định 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, cho biết thực hiện Chỉ thị 30 của Thủ tướng về tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, lực lượng chức năng cả nước ngăn chặn, triệt phá được nhiều đường dây ổ nhóm. Nhưng thời gian qua, khi thực hiện Quyết định 20, một số địa phương gặp khó khăn nên lượng thuốc lá lậu bị tịch thu hơn 9 triệu gói vẫn còn tồn đọng, chưa xử lý được.
Theo đại diện Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, tính đến tháng 10-2019, thuốc lá lậu bị tịch thu trên cả nước hơn 9,5 triệu gói. Trong đó chỉ có tỉnh Long An tiêu hủy được 672.000 gói. Thuốc lá nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá xuất khẩu thì không có gói nào.
Ông Phạm Đức Chinh (Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An, Phó Trưởng ban thường trực, BCĐ 389 tỉnh Long An) cho biết Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh Long An tham mưu UBND tỉnh chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng thuốc lá, giám đốc Sở KH&CN làm chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Công Thương, công an, quản lý thị trường...
Hội đồng tiến hành đánh giá chất lượng thuốc lá bằng cảm quan. Thuốc lá có chất lượng phải đảm bảo các yếu tố như còn nguyên vẹn, còn mới, không bị biến dạng, móp méo hay thủng rách... và có hương thơm đặc trưng.
Sau khi có biên bản đánh giá chất lượng, giao Cơ quan thường trực 389 tỉnh làm đầu mối những thủ tục để tiêu hủy theo Quyết định 20. Tính đến ngày 12-11, Hội đồng đánh giá chất lượng thuốc lá đã thực hiện đánh giá 1,9 triệu gói thuốc lá ngoại, tất cả đều không đạt chất lượng.
Tuy nhiên, ông Chinh cho biết Long An tịch thu 3,5 triệu gói thuốc lá lậu. Đến giờ phút này Long An chỉ tiêu hủy, chưa có tổ chức, cá nhân nào tham gia mua thuốc lá ngoại nhập lậu có quyết định tịch thu đạt chất lượng. Do việc đánh giá chất lượng thuốc lá chỉ thực hiện bằng cảm quan, không thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định, không có cơ sở xác định giá khởi điểm từng loại thuốc…
Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp, cho biết từ khi Quyết định 20 có hiệu lực, đến ngày 15-10-2019 lực lượng chức năng Đồng Tháp tạm giữ hơn 566.000 gói thuốc lá điếu các loại. Hiện nay tỉnh vẫn chưa thực hiện tiêu hủy được thuốc lá giả, kém chất lượng, cũng như đối với thuốc lá đảm bảo chất lượng để xuất khẩu nên lượng thuốc lá lậu trên còn tồn đọng.
Theo ông Trung, các lực lượng chức năng muốn tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu cũng không tiêu hủy được vì phải có cơ quan chức năng đánh giá và kết luận thuốc đó không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá mới được tiêu hủy. Thuốc lá điếu còn chất lượng phải có cơ quan chuyên môn thẩm định nhưng hiện nay Đồng Tháp chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này.
Mặt khác, hiện nay cũng chưa có quy định thành phần, chỉ tiêu cụ thể đối với thuốc lá điếu nhập lậu như thế nào để làm căn cứ cho đơn vị chuyên môn có chức năng đánh giá để bán đấu giá, xuất ra nước ngoài.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hội nghị bàn giải pháp thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết thuốc lá nhập lậu là hàng cấm nên việc giám định, đánh giá chất lượng không có tiêu chuẩn, căn cứ để đánh giá. Nếu lấy mẫu đưa trung tâm kiểm nghiệm thì cũng chỉ đánh giá chất lượng cho sản phẩm đưa kiểm nghiệm. Mặt khác, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, rất khó tìm được doanh nghiệp đủ điều kiện để tham gia đấu giá...
Vì vậy, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia kiến nghị: Để thực hiện Quyết định số 20 hiệu quả, Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương hoặc chỉ định rõ cơ quan, tổ chức thực hiện giám định, đánh giá chất lượng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để có cơ sở xử lý theo quy định.
Cơ quan có thẩm quyền sớm quy định chỉ tiêu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để cơ quan chuyên môn làm căn cứ xác định. Chỉ định cơ quan chuyên môn xác định thuốc lá điếu nhập lậu còn chất lượng để bán đấu giá xuất khẩu ra nước ngoài…
Ông Thế đề nghị trước mắt, cơ quan thường trực các tỉnh nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của Sở KH&CN để tham mưu đúng như Long An mà làm. Sau khi đánh giá được chất lượng thuốc lá lậu rồi thì một là xuất khẩu, thứ hai là tiêu hủy.