Các nước Ca-ri-be muốn Mỹ hỗ trợ bằng vaccine chưa dùng tới

Nhiều quốc gia độc lập ở vùng Ca-ri-bê kêu gọi Mỹ chia sẻ kho dự trữ vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc đảo này, hãng tin Reuters cho hay.

Ông Keith Rowley - Thủ tướng Trinidad & Tobago, Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM) - đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden vì vấn đề về vaccine ngừa COVID-19, Reuters dẫn lại tin tức từ tờ Newsday (Trinidad & Tobago).

Theo nguồn tin này, ông Rowley đã bày tỏ mong muốn được Mỹ hỗ trợ bằng cách cung cấp cho các quốc đảo này các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng chưa có bình luận về vấn đề này. 

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: GETTY

Hầu hết các quốc đảo ở vùng Ca-ri-bê cho rằng sự không bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước đang khiến khu vực này chịu thiệt khi các nước không có năng lực tài chính hay ảnh hưởng chính trị để dễ dàng ký kết các hợp đồng mua bán vaccine.

Lãnh đạo hai thành viên khác của CARICOM là Saint Kitts & Nevis và Antigua & Barbuda cũng đã viết thư cho chính quyền của ông Biden.

Phát biểu trong một diễn đàn khu vực theo hình thức trực tuyến hồi tuần trước, Ngoại trưởng Saint Kitts & Nevis, ông Mark Brantley mong muốn Mỹ suy nghĩ cho cả "biên giới thứ ba" là các quốc đảo Ca-ri-bê thay vì chỉ quan tâm tới hai nước láng giềng trên đất liền là Canada và Mexico.

Còn trong thư của mình, Thủ tướng Antigua & Barbuda, ông Gaston Browne nhấn mạnh tình trạng khó khăn của nền kinh tế đất nước khi quy mô kinh tế đã giảm 30% và tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng thêm hàng chục phần trăm.

"Tính dễ bị tổn thương của các quốc gia phải trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc cung cấp vaccine và khu vực Ca-ri-bê là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới" - ông Browne viết trong thư gửi ông Biden.

Các quốc đảo Ca-ri-bê dựa phần nhiều vào ngành du lịch nhờ được thiên nhiên ưu đãi, song điều này đã trở thành đặc điểm khiên các nước này chịu tổn thất kinh tế nặng nề do đại dịch.

Ngoại trừ Cuba - một trong số hiếm hoi các quốc đảo vùng Ca-ri-bê không thuộc CARICOM - theo đuổi chương trình vaccine nội địa, các quốc gia khác trong vùng chỉ có thể nhận vaccine ngừa COVID-19 từ Ấn Độ hoặc thông qua sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu COVAX (do WHO tham gia điều phối).

Jamaica - một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất trong quần đảo Ca-ri-bê- là quốc đảo duy nhất trong vùng đã nhận vaccine từ COVAX. Nhiều quốc gia khác trong vùng đang có tỉ lệ số ca nhiễm mới trên tổng số dân cao hơn trung bình toàn cầu, cho thấy tình trạng dịch bệnh đáng quan ngại ở vùng Ca-ri-bê.

Trong khi đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ... ở vùng biển Ca-ri-bê đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt với sự giúp đỡ của chính quyền trung ương ở London, Paris, Washington...

Mỹ đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế vì duy trì kho dự trữ vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược châu Âu AstraZeneca dù chưa cấp phép cho loại vaccine này.

Tuần trước, Nhà Trắng cho biết khoảng 4 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca mà nước này chưa sử dụng tới sẽ được trao đổi cho Canada và Mexico theo các thỏa thuận cho vay.

AstraZeneca cho biết một cơ sở của công ty này tại Mỹ đang sản xuất và dự trữ vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến, đến đầu tháng 4, khoảng 30 triệu liều vaccine sẽ sẵn sàng đưa vào tiêm chủng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm