Các nước châu Á cố gắng vì một cái Tết vừa an toàn vừa sạch dịch

Trong bối cảnh dịp lễ tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều nước châu Á đã có những bước chuẩn bị cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người dân giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh. Trong khi một số nước tập trung đẩy mạnh nỗ lực phủ vaccine toàn dân, nhiều nơi lại bắt đầu tái kích hoạt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và khuyến khích giãn cách xã hội.

Nhân viên y tế Trung Quốc khử trùng khu Dự Viên ở TP Thượng Hải ngày 15-1. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc mạnh tay chống dịch

Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Trung Quốc (TQ) đang nỗ lực vừa tạo điều kiện cho người dân di chuyển về quê đón tết vừa đảm bảo các quy định y tế về phòng chống dịch. Đợt “xuân vận” năm nay (tên gọi chỉ dòng người đổ về quê mỗi tết đến ở TQ) ước tính có tới 1,18 tỉ lượt hành khách đi lại từ đây đến cuối tháng 2.

Các cơ quan đường sắt TQ đã lên kế hoạch khẩn cấp phòng trường hợp dịch bùng phát trong “xuân vận”. Một số ga đường sắt và sân bay đã thiết lập các điểm xét nghiệm COVID-19 24/24 giờ để hỗ trợ tốt hơn chuyến đi của hành khách.

Các “dịch vụ không tiếp xúc” cũng được đẩy mạnh để tạo ra môi trường đi lại an toàn cho người dân, chẳng hạn số lượng thiết bị tự phục vụ tại các nhà ga, đã được tăng cường.

Hồi cuối tuần trước, phát ngôn viên Ủy ban Y tế quốc gia TQ Mi Feng đã lên tiếng nhắc nhở chính quyền các địa phương dù bám sát chiến lược “zero-COVID” vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch theo hình thức “phân loại, phân khu” tùy vào tình hình cụ thể, không nên áp dụng một chính sách chung cho tất cả các nơi, đồng thời không tái kích hoạt các biện pháp hạn chế quá mức.

Tuy nhiên, truyền thông TQ cho biết dư luận nhiều nơi vẫn đang bất mãn vì còn nhiều địa phương áp dụng chính sách chống dịch không linh hoạt. Chẳng hạn, một số nơi vẫn yêu cầu người từ khu vực nguy cơ thấp cách ly 14 ngày.

Đơn cử, chính quyền huyện Đan Thành thuộc tỉnh Hà Nam của TQ bị chỉ trích dữ dội sau khi ra thông báo bất kỳ ai từ các khu vực nguy cơ cao hoặc trung bình đi về quê “đều sẽ bị cách ly và sau đó bị giam”.

Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, lập tức có bài xã luận phê bình chính sách của huyện này là thiếu cơ sở và nhấn mạnh cần tôn trọng mong muốn về thăm gia đình của người dân.

Ở đặc khu Hong Kong, Trưởng đặc khu Carrie Lam mới đây đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học tạm ngừng hoạt động đến hết tết để đảm bảo an toàn cho học sinh. Kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi cũng đang được xem xét triển khai.

Trước đó, chính quyền đặc khu cũng ra lệnh khác yêu cầu tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, còn các địa điểm kinh doanh ăn uống thì phải đóng cửa sau 18 giờ mỗi ngày từ nay đến hết 3-2. Dù các lệnh hạn chế ở Hong Kong ít khắt khe hơn so với đại lục, song cư dân TP vẫn rất bất mãn vì việc siết chặt các quy định chống dịch lúc này làm ảnh hưởng tới kỳ nghỉ truyền thống của họ.

Những nước châu Á khác chuẩn bị ra sao?

Tại Singapore, tờ The Straits Times cho biết chính quyền đang có các bước chuẩn bị cần thiết để đảm bảo đợt lễ tết Nguyên đán sắp tới diễn ra an toàn. Quy định mới yêu cầu người dân chỉ được tập trung nhóm tối đa năm người ở nơi công cộng và các tụ điểm vui chơi giải trí, còn mỗi nhà chỉ đón tối đa năm khách tới thăm mỗi ngày. Các công ty tiếp tục được phép cho nhân viên đến làm việc tại chỗ nhưng chỉ được tối đa 50% số người so với lúc bình thường.

Để hỗ trợ giảm tải cho hệ thống y tế, người tiêm đủ hai liều vaccine mà dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu phải cách ly tập trung thì chỉ còn phải chấp hành quy định này trong bảy ngày thay vì 10 ngày như trước, người tiêm chưa đủ liều vaccine vẫn phải cách ly 14 ngày. Chương trình tiêm chủng cũng được chuẩn bị mở rộng tiêm liều tăng cường cho đối tượng vị thành niên 12-17 tuổi và tiêm nốt cho khoảng 20% dân số còn lại chưa tiêm liều nào.

Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc đã kêu gọi người dân năm nay nên cân nhắc không về quê dịp tết bởi nhiều dự báo của cơ quan y tế nước này cho thấy dòng người di chuyển giữa các địa phương sẽ khiến ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng cao kỷ lục, theo hãng thông tấn Yonhap.

Nước này từ ngày 26-1 cũng đã bắt đầu áp dụng chính sách xét nghiệm và điều trị mới để hạn chế gián đoạn xã hội. Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine nếu nhiễm COVID-19 sẽ được giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn bảy ngày.

Chính quyền cũng yêu cầu các địa phương có số ca COVID-19 cao chỉ xét nghiệm PCR cho những nhóm ưu tiên như người trên 60 tuổi, những đối tượng khác cần đến phòng khám địa phương để xét nghiệm kháng nguyên trước.

Ở Nhật, hãng tin AP cho biết từ ngày 21-1 đến 13-2, mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí được yêu cầu đóng cửa sớm và không được bán đồ uống có cồn, tuy vẫn được phục vụ tối đa công suất. Lệnh siết chặt biên giới sẽ tiếp tục được duy trì cho tới hết tháng 2, sau tết Nguyên đán.

Hiện hai trung tâm tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Lực lượng Phòng vệ Nhật quản lý đã được mở cửa trở lại để hỗ trợ chương trình tiêm chủng. Theo tờ The Japan Times, hiện Nhật chỉ mới bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vào đầu tháng 12 nên tiến độ vẫn rất chậm, mới chỉ đạt khoảng 0,9% dân số đủ điều kiện. Giới chức y tế Nhật đã cho phép giảm thời gian chờ để tiêm liều tăng cường từ tám tháng xuống còn sáu tháng ở đối tượng từ 65 tuổi trở lên, bảy tháng với đối tượng dưới 65 tuổi để tăng tốc độ tiêm chủng.•

Cùng với việc đưa ra những quy định nghiêm ngặt và khuyến cáo quan trọng nói trên, chính quyền một số nước cũng khuyến khích người dân sử dụng tiền lì xì điện tử hoặc số hóa các món quà tết nhằm tránh tập trung đông người, giảm tiếp xúc, qua đó hạn chế tối đa sự lây lan của đại dịch.

Theo tờ South China Morning Post.

Chuỗi cung ứng khu vực lo ngại nghỉ tết sắp tới

Theo tờ The Nikkei, hiện có những lo ngại rằng đợt nghỉ tết kéo dài ở châu Á sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Các nhà máy ở TQ đang triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng công nghệ của Apple, Samsung... vẫn có thể hoạt động, phục vụ nhu cầu toàn cầu. Nếu không, rủi ro không chỉ là gây gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip và linh kiện đang diễn ra.

Nhiều nhà cung ứng cho Apple như Foxconn, Pegatron và Luxshare đã tung ra các ưu đãi cho nhân viên không chọn đi du lịch vào dịp tết. Cách tiếp cận tích cực này từng lôi kéo hàng triệu người quay lại sau tết Nguyên đán năm ngoái. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm