Cần chế tài mạnh thông đồng, móc nối trong đấu giá

(PLO)- Hiện chưa có quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-8, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và TS Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp, tại buổi hội thảo. Ảnh: P.THẮNG

TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và TS Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp, tại buổi hội thảo. Ảnh: P.THẮNG

Thông đồng, dìm giá “ngày càng tinh vi, phức tạp”

Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp đánh giá sau hơn năm năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung.

Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn…

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình thực hiện luật này cũng đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định về trình tự, thủ tục chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cạnh đó, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. “Còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử” - tờ trình của Bộ Tư pháp nêu.

Về chất lượng dịch vụ đấu giá, Bộ Tư pháp đánh giá “nhìn chung còn chưa có hiệu quả”. “Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp” - theo Bộ Tư pháp.

Trong khi đó, cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, khó khăn. Một số tổ chức đấu giá không tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…

Đặc biệt, theo Bộ Tư pháp, thực tế còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau” để đấu giá.

Theo Bộ Tư pháp, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên

đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…

Đấu giá trực tuyến: Cần quy định cụ thể hơn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến.

TS Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp, nhận xét dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong đấu giá tài sản. Dẫn chứng, bà Hồng liệt kê hàng loạt quy định về cổng đấu giá tài sản quốc gia và việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng, quản lý, vận hành cổng này.

Tuy nhiên, TS Hồng cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên cổng đấu giá tài sản quốc gia để đảm bảo tính khả thi.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho hay luật hiện hành quy định bốn hình thức đấu giá, gồm: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến.

Cùng với việc vận hành cổng đấu giá tài sản quốc gia, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị dự thảo nên bổ sung một số điều về hình thức đấu giá trực tuyến, để hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá thông qua hình thức này.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề nghị dự thảo nên quy định việc xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân liên quan khi có các hành vi vi phạm việc công bố/đăng tải thông báo về việc đấu giá tài sản trên cổng đấu giá tài sản quốc gia.

Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung chế tài mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên (như hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm…) dẫn đến sai lệch thông tin/kết quả đấu giá tài sản…•

Đấu giá quyền sử dụng đất là chủ yếu

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 7-2017 đến ngày 31-12-2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV (tháng 10-2023).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm