Do vậy, Bộ y tế cần kiến nghị với chính phủ có những điều chỉnh phù hợp về hành lang pháp lý để Bệnh viện Đồng Nai mới khi đi vào hoạt động tạo thuận lợi trong việc điều chuyển bác sĩ ở bệnh viện công sang khám, chữa bệnh tại bệnh viện tư và được giữ lại một phần thu nhập để trả lương cho bác sĩ, điều dưỡng”. Đây là kiến nghị của ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với ngành y tế Đồng Nai về công trình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai diễn ra vào ngày 28-11.
Bản vẽ bệnh viện Đồng Nai mới
Theo ông Vũ, riêng công trình giai đoạn 1 khi đi vào hoạt động, mỗi tháng chi phí điện, nước hết hơn 5 tỷ đồng, Nhà nước sẽ phải bù lỗ nhiều, do đó cần tới sự hợp tác công – tư để giảm chi phí. Bệnh viện mới, phòng rộng, trang bị hiện đại, giá chỉ tương đương bệnh viện cũ nên chắc chắn người dân sẽ tiếp nhận. Cụ thể bệnh nhân có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ở bệnh viện mới chỉ phải trả tiền cao hơn 20% so với quy định của Nhà nước.
Cũng tại buổi làm việc, theo đánh giá của WHO, so với các nước đang phát triển, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới là một trong những bệnh viện có quy mô lớn nên ngành y tế Đồng Nai cần tính toán hợp lí về chi phí hoạt động, bố trí nhân sự, giá viện phí…nhằm khai thác hiệu quả.
Bộ y tế và tổ chức y tế thế giới làm việc với ngành y tế Đồng Nai
Được biết, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được xây dựng theo hai giai đoạn. Hiện nay giai đoạn 1 đã hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt thiết bị. Công trình gồm 2 tầng hầm, 14 tầng lầu và một sân đỗ trực thăng; quy mô 700 giường bệnh với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương.
Giai đoạn 2 của bệnh viện được triển khai theo mô hình hợp tác công – tư (PPP), giai đoạn này được xây dựng trên diện tích sàn 70.000 m2 với 1 tầng hầm và 18 tầng lầu (700 giường bệnh), tổng vốn xây dựng 1.260 tỷ đồng.