Cạn đạn pháo, Ukraine dùng gì để kìm chân Nga?

(PLO)- Quân đội Ukraine tăng cường dùng máy bay không người lái (UAV) để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn pháo trước mắt và đối phó các đợt tấn công của quân Nga.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng sau nhiều tháng phản công, quân Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng.

Nguyên nhân là do tốc độ sản xuất đạn pháo của Ukraine không thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu, trong khi các gói viện trợ đạn pháo từ phương Tây bị trì trệ vì nội bộ các đồng minh của Ukraine như Mỹ và châu Âu đang chia rẽ về vấn đề viện trợ.

Cuối tháng 12-2023, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine - ông Mykhailo Fedorov cho biết để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn dược trước mắt và đối phó các đợt tấn công của đối phương, các đơn vị Kiev đã dùng máy bay không người lái (UAV).

Thế mạnh của UAV và chiến thuật của Ukraine

Theo WSJ, UAV có nhiều thế mạnh chiến thuật, có thể giúp quân Ukraine kìm hãm đà tiến của Nga và đối phó các đợt tấn công của quân đối phương.

Đạn pháo.png
Binh sĩ Ukraine phóng UAV tấn công các đơn vị Nga ở TP Bakhmut (tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine). Ảnh: AP

Cụ thể, UAV có tính cơ động cao, có thể cất cánh và hạ cánh từ nhiều địa điểm khác nhau, giúp quân Ukraine dễ dàng theo dõi và tấn công các mục tiêu khó tiếp cận của quân đối phương như kho vũ khí, đơn vị hậu cần, đơn vị tập kết khí tài và các trạm chỉ huy.

UAV có khả năng giám sát và trinh sát với độ chính xác cao, có thể giúp quân Ukraine thu thập thông tin tình báo quan trọng. Loại khí tài này còn có thể giúp Kiev nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng chiến đấu, gồm bộ binh, không quân và hải quân.

Thêm vào đó, UAV có giá rẻ hơn so với các loại đạn pháo, chỉ khoảng vài trăm USD/chiếc, giúp Ukraine tiết kiệm chi tiêu quốc phòng đáng kể. Ngoài ra, việc vận hành UAV cũng đơn giản và ít tốn nhân lực nên có thể giúp quân Ukraine tạo ra những đòn tấn công bất ngờ, hiệu quả.

Theo WSJ, tận dụng những lợi thế trên, trong những tháng cuối năm 2023, quân Ukraine đã triển khai các đội UAV tới nhiều chiến tuyến.

WSJ dẫn lời Tổng Tư lệnh Ukraine - ông Valerii Zaluzhnyi cho biết tại các tỉnh miền Nam như Zaporizhia và Kherson, quân Ukraine đã dùng UAV tấn công các đội xe tăng và đơn vị hậu cần của quân Nga, khiến lực lượng Moscow gặp khó trong việc tiến quân cũng như giành lại các vị trí đã mất.

Tại các tỉnh miền Đông như Donetsk, Kharkiv, Sumy, quân Ukraine cài thêm bom, hỏa tiễn và một số chất gây nổ trên UAV để tấn công các đoàn xe tăng, pháo binh, kho đạn dược và các trung tâm liên lạc của quân Nga, khiến Moscow chịu nhiều thiệt hại.

Ngoài ra, trong bối cảnh băng tuyết, giá rét khắc nghiệt bao phủ chiến trường Ukraine, các phương tiện chiến đấu hạng nặng như xe chiến đấu bọc thép, xe tăng, xe pháo,... khó di chuyển, thì UAV là lựa chọn thích hợp trong điều kiện như vậy, giúp quân Ukraine thực hiện các đợt tấn công hiệu quả.

Pháo binh vẫn quan trọng hơn

411168831_1435318403862337_385589329507772200_n.png
Quân Ukraine nã pháo vào các đơn vị Nga tại Donetsk (miền Đông Ukraine) hồi cuối tháng 12-2023. Ảnh: REUTERS

Dù UAV sở hữu nhiều thế mạnh, có thể giúp quân Ukraine giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn pháo, song loại khí tài này vẫn tồn tại một số hạn chế, khiến nó khó thay thế các đội pháo binh.

Theo WSJ, UAV không thể mang theo nhiều chất nổ như đạn pháo. Phạm vi hoạt động, mức độ gây thiệt hại và tốc độ bay của UAV cũng không bằng đạn pháo.

Tại chiến trường Ukraine, pháo binh được xem như lực lượng chống tăng và thiết giáp hiệu quả. Các đội pháo binh Kiev còn giúp dọn chướng ngại vật, tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp và yểm trợ bộ binh tấn công.

WSJ dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng so với Ukraine, Nga có lợi thế về số lượng và chất lượng pháo binh khi quân đội nước này sở hữu nhiều khẩu pháo hiện đại, có tầm bắn xa và kho đạn dồi dào.

Tờ Defense Express dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI - tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh tại London, Anh) cho biết từ đầu mùa hè năm 2023, quân đội Ukraine đã khai hỏa khoảng 7.000 đến 7.500 quả đạn pháo mỗi ngày. Trong khi đó Nga chỉ bắn khoảng 5.000 quả đạn để đáp trả.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lực lượng Ukraine chỉ bắn khoảng 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi đối phương bắn khoảng 10.000 quả, gấp 5 lần phía Ukraine.

Cuối tháng 12, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine - ông Oleksandr Kamyshin cho biết sản lượng đạn pháo nước này trong năm 2023 tăng 2,8 lần so với năm 2022.

Trong khi đó, hồi 24-12-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Sergei Shoigu tuyên bố sản lượng đạn pháo của Nga trong năm 2023 cao hơn 17,5 lần so với năm trước. Điều này cho thấy nếu thiếu đạn pháo viện trợ từ các đồng minh phương Tây, Ukraine có thể thất thế trước Nga về quy mô và hoạt động pháo binh.

Theo Tướng Oleksandr Tarnavsky - Tư lệnh Nhóm chiến lược và tác chiến miền Nam, việc thiếu hụt đạn pháo sẽ ảnh hưởng đáng kể các hoạt động tác chiến của quân Ukraine.

Ông Tarnavsky cho rằng, việc thiếu đạn pháo sẽ khiến các đơn vị Ukraine phải thu hẹp phạm vi tác chiến và phải tạm chuyển sang thế phòng thủ, chờ viện trợ.

Trước tình hình đó, những tháng cuối năm 2023, Ukraine đã kêu gọi các đồng minh phương Tây viện trợ thêm đạn pháo. Giới quan sát cho rằng động thái trên là nhằm mục đích cân bằng lại lực lượng pháo binh với Nga, cũng như xây dựng sức mạnh chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới, khi thời tiết dần ấm lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm