Cần đẩy mạnh đầu tư để đánh thức Hóc Môn và Củ Chi

(PLO)- Còn quỹ đất lớn, có lợi thế về vị trí địa lý, khả năng kết nối với nhiều tỉnh, thành… nhưng hai huyện Củ Chi và Hóc Môn lâu nay vẫn chưa phát triển xứng tầm, thậm chí nhiều khu đô thị, khu dân cư “treo” hàng chục năm trời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sắp tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP.HCM) năm 2022 với 55 dự án được hai huyện mời gọi đầu tư dịp này có tổng trị giá 12,5 tỉ USD.

Huyện Hóc Môn có diện tích khoảng 109 km2, dân số năm 2019 là 542.243 người, mật độ dân số đạt 4.967 người/km². Huyện Củ Chi có diện tích 435 km2, dân số năm 2019 là 462.047 người, mật độ dân số đạt 1.063 người/km².

Củ Chi và Hóc Môn là 2/5 huyện ngoại thành của TP.HCM đang được xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030.

Đánh thức các khu đô thị ngủ quên

Những ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng gay gắt của TP.HCM, con đường “độc đạo” quốc lộ 22 gồ ghề, thường xuyên kẹt xe hướng lên phía tây bắc TP với hai huyện Củ Chi và Hóc Môn càng thêm vất vả hơn. “Đây là khu đô thị (KĐT) Tây Bắc, với nhiều ấp trong khu quy hoạch” - một người dân ở UBND huyện Củ Chi vừa chỉ vào bãi cỏ um tùm, với mảng xanh như rừng, có cả bảng phòng chống cháy rừng, vừa nói.

Hình ảnh KĐT được kỳ vọng lớn nhất phía tây bắc TP không khác gì “bức tranh” nhem nhuốc với cây cối, nhà cửa bỏ hoang, những hộ dân sống “mòn” trong khu quy hoạch “treo” hàng chục năm nay.

“Năm 2007, khi Nhà nước công bố quy hoạch KĐT phía tây bắc 6.000 ha, xã tôi có tám ấp nằm trong khu quy hoạch. Đến nay, suốt 15 năm KĐT vẫn chưa thực hiện, quyền lợi người dân bị hạn chế nhiều về xây dựng nhà ở, sinh hoạt, kinh tế khó khăn” - anh Nguyễn Bình Đông, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, nói.

Khu vực ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi với quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn chưa được đầu tư, sắp tới huyện sẽ kêu gọi đầu tư nhiều dự án ở các phân khu này. Ảnh: UBND huyện Củ Chi cung cấp

Khu vực ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi với quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn chưa được đầu tư, sắp tới huyện sẽ kêu gọi đầu tư nhiều dự án ở các phân khu này. Ảnh: UBND huyện Củ Chi cung cấp

Không chỉ người dân nơi đây mà cả những người thuê đất lập vườn, lập nhà xưởng, làm kinh tế… cũng hoang mang, không dám đầu tư vì không biết khi nào bị giải tỏa, khi nào thực hiện quy hoạch. Vì vậy, nhiều khu nhà xưởng, cơ sở sản xuất, nông trường, bưu điện, trường học… ở KĐT này cũng xuống cấp và hoang hóa.

“Trẻ em lúc năm tuổi có quy hoạch thì nay cũng đã 20 tuổi, người già có miếng đất muốn để lại cho con cháu cũng không thể thực hiện, cả một thế hệ trong 15 năm sống như vậy đưa đến một bức xúc rất lớn” - cụ Bùi Quang Nhĩ (72 tuổi), cũng ở xã Tân An Hội, bày tỏ.

Tương tự, ngay chân cầu An Hạ, dọc con kênh nhánh của kênh An Hạ (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), cũng là một phần của KĐT Tây Bắc, người dân ở đây cũng gặp cảnh “không biết làm sao” khi việc sửa chữa nhà khó khăn, nhiều căn nhà “vô chủ” bỏ hoang do nằm trong khu quy hoạch.

Khu đất trống đang được huyện Củ Chi kêu gọi đầu tư dự án sắp tới. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Khu đất trống đang được huyện Củ Chi kêu gọi đầu tư dự án sắp tới. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Gần đó, khu đất hơn 290 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn được quy hoạch KĐT, dân cư mới cũng trong tình trạng “đồng không mông quạnh” khi chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc xen kẽ lúa và một con đường đất đi vào trong. Đây cũng là một trong những khu đất huyện Hóc Môn sẽ kêu gọi đầu tư dự án tới đây.

Bài toán hạ tầng, tạo môi trường đầu tư

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nói: “Điểm mạnh của Củ Chi là nằm ở cửa ngõ tây bắc TP. Tỉnh lộ 7, 8, 9, quốc lộ 22 kết nối các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Sắp tới có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3, 4 đồng bộ giúp huyện phát triển”.

Theo ông Phong, hiện quỹ đất nông nghiệp của huyện cũng còn rất nhiều, đây cũng là lợi thế để huyện Củ Chi có thể tiếp nhận đầu tư các dự án lớn, đồng thời là sự ưu đãi về chính sách của huyện nói riêng và TP.HCM nói chung cũng sẽ giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn khi đầu tư vào huyện.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng dù có nhiều lợi thế song huyện cũng có hạ tầng giao thông còn hạn chế như các tỉnh lộ chưa được mở rộng, phát triển đô thị cũng chưa xứng tầm như câu chuyện một số KĐT còn bỏ hoang, quy hoạch treo cũng có lý do từ nguồn lực thực hiện chưa có.

Đơn cử như quy hoạch KĐT Tây Bắc và 10 phân khu ven sông Sài Gòn cũng chưa được triển khai đầu tư. “Chính vì vậy, mục tiêu của hội nghị xúc tiến tới đây là kêu gọi đẩy nhanh các dự án, mặt khác là TP đang trong thời kỳ điều chỉnh quy hoạch chung nên có thể cập nhật lại các chỉ tiêu quy hoạch và các định hướng, cũng góp phần tạo điều kiện cho huyện kêu gọi đầu tư” - ông Phong phân tích.

Về huyện Hóc Môn, ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, cho biết để phục vụ cho hội nghị xúc tiến sắp tới và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thời gian qua huyện cũng tập trung vào các giải pháp chính như công tác cải cách hành chính, cải thiện cơ chế - môi trường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin.

“Những năm gần đây, chúng tôi cũng tập trung đầu tư cho các dự án lớn như đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh các công tác hạ tầng khác như giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn, cải tạo rạch Xuyên Tâm…” - ông Tuấn thông tin.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết huyện cũng có giải pháp về quản lý và điều chỉnh quy hoạch, vì huyện cũng còn những khu vực quy hoạch là nông thôn, chỉ tiêu quy hoạch đô thị chưa phù hợp nên huyện sẽ có đề xuất điều chỉnh để tạo động lực phát triển và thay đổi bộ mặt huyện.•

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Khu vực rất tiềm năng nhưng đang ngủ quên

Diện tích hai huyện lên đến 500 km2, chiếm 1/4 diện tích đất TP.HCM, đây là khu vực rất tiềm năng và lợi thế, còn đang “ngủ quên” vì trong thời gian dài TP tập trung đầu tư mạnh phía nam và phía đông. Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung nhiều hơn cho phía tây bắc.

Hai huyện Củ Chi và Hóc Môn hiện nay còn rất nhiều đất, đó là tiềm năng, quan trọng hơn là khu vực này không bị ngập, còn trong TP.HCM và phía nam chịu sự tác động của biến đổi khí hậu nên rất hay xảy ra tình trạng ngập úng. Quan trọng hơn nữa là hai huyện này là nơi có nhiều di tích văn hóa - lịch sử… như địa đạo Củ Chi.

Ngoài cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, chúng ta còn có con đường “mơ ước” là đường ven sông Sài Gòn đi từ trung tâm TP lên hai huyện. Chúng ta có thể khai thác du lịch, sinh thái. Tuy nhiên, muốn phát triển hai huyện này thì phải giải quyết bài toán hạ tầng, có cả hạ tầng đường bộ, đường sông, mở rộng quốc lộ 22… để kết nối các tỉnh có động lực tăng trưởng đang rất cao là Bình Dương, Long An.

Và đường vành đai 3 sẽ giải quyết việc đi về các cảng, khép kín đường vành đai 2, giúp chi phí logistics hạ nhiệt, giá thuê đất ở hai huyện này cũng thấp hơn giá ở trung tâm TP… nên Củ Chi và Hóc Môn có rất nhiều cơ hội để đầu tư và phát triển. Việc chúng ta xúc tiến kêu gọi đầu tư 55 dự án với số vốn 12,5 tỉ USD (gần 300.000 tỉ đồng) có tính khả thi cao, lúc này là đúng lúc, đúng thời điểm. Vấn đề còn lại là chúng ta cần có những cam kết để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

Phải trả lời được câu hỏi của các nhà đầu tư

Theo tôi thì ngoài vấn đề đầu tư, chúng ta cần lưu ý đến bài toán phát triển bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực nào, tác động ra sao chúng ta cần tính đến sự ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực đó.

Thu hút các nhà đầu tư, chúng ta cần tạo môi trường đầu tư, về Nhà nước thì cần có chính sách, thường các địa phương cạnh tranh nhau về môi trường đầu tư - chính sách. Ví dụ như chính sách về thuế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tốt hơn, nhiều nhà đầu tư cũng cần sự đồng bộ, chúng ta cần làm rõ đối tượng nào thì cần ưu đãi điều kiện gì để thu hút.

Tất nhiên còn có vấn đề thị trường, văn hóa - xã hội. Cần tính đến vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, ngoài vấn đề về quy hoạch, kế hoạch đã được vạch ra. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi của các nhà đầu tư, trả lời một cách cụ thể chứ không chung chung, nhà đầu tư họ muốn đầu tư gì, nhu cầu như thế nào thì mình cố gắng đáp ứng và trả lời rõ ràng.

Ông NGUYỄN NGỌC TÝ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn:

Lợi thế về giao thương

Khi đầu tư ở huyện Hóc Môn, chúng tôi thấy được lợi thế về mặt giao thương khu vực này. Từ đây, chúng ta có thể tỏa ra kết nối các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ. Đặc biệt đi về hướng tỉnh Tây Ninh có cửa khẩu Mộc Bài. Ngoài ra, hệ sinh thái, quỹ đất trên huyện còn dồi dào, đủ để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong tương lai. Chúng tôi đầu tư ở huyện mười mấy năm thì việc tuyển dụng lao động cũng rất thuận lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm