Thời gian qua, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ, các Bộ ngành liên tục ban hành các thông tư mới về tiêu chuẩn công chức, viên chức theo hướng bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Có thể kể đến như giáo viên; công chức hành chính, văn thư; công chức thi hành án dân sự; viên chức y tế…
Những thông tư trên nhận được sự đồng tình của công chức, viên chức, giúp cắt giảm thủ tục, giấy tờ không cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận không nhỏ thắc mắc, việc bỏ chứng chỉ có làm giảm chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hay không. Bởi quy định mới rất chung chung “có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế vừa qua đã ban hành Công văn số 5032 hướng dẫn, giải thích rõ về việc đánh giá kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp với đối tượng là viên chức y tế.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức “Trường hợp người trúng tuyển có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì được thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học”.
Theo đó, viên chức có bằng chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Như vậy, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng vẫn phải có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí việc làm (quy định mới).
Việc xác định kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của từng vị trí việc làm được thực hiện thông qua các kỳ tuyển dụng hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (có nội dung thi về ngoại ngữ, tin học).
Các kỳ xét tuyển hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ đánh giá kỹ năng ngoại ngữ, tin học qua các bài thi trắc nghiệm hoặc thông qua các văn bằng, chứng chỉ của viên chức (do cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch xét tuyển, kế hoạch xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định).
Như vậy có thể thấy, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức vẫn được đảm bảo thông qua khâu đầu vào, dù được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.