Chặn cơn bão giá, ngăn lạm phát - Bài cuối

Cần ngay giải pháp để tránh cú sốc bão giá

(PLO)-  Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ về lãi suất cho các ngành kinh tế chủ lực để làm tấm đệm giảm sức ảnh hưởng của giá nhiên liệu đầu vào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến cơn bão giá đang tác động mạnh đến người dân và doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam, nhấn mạnh: “Nhà nước cần có ngay các giải pháp để hạ nhiệt và chặn đứng lạm phát để giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”.

Thu nhập thực tế giảm

. Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình lạm phát hiện nay?

+ Ông Trần Thanh Hải (ảnh): Các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang đối diện với lạm phát khá lớn. Ngoài ra, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, xăng dầu… đều tăng cao do chuỗi cung đứt gãy và chiến sự Nga - Ukraine.


Trong bối cảnh trên, năm tháng đầu năm nay, Việt Nam (VN) vẫn duy trì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 2,25%. Đây có thể xem là thành công của VN trong việc kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên trên thực tế, lạm phát đã hiện diện trong bữa ăn của người dân, trong đơn hàng của doanh nghiệp. Thực phẩm, cước vận chuyển đã tăng giá vài chục phần trăm; các loại nguyên liệu đầu vào như xơ sợi trong ngành may mặc, phân bón cho ngành nông nghiệp… cũng leo thang không ngừng.

Nhưng do có độ trễ nên việc tăng giá này chưa phản ánh nhiều vào CPI hiện nay. Đến khi độ trễ đó bung ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá thì giá cả hàng hóa sẽ tăng lên cao. Giá tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến một số đầu vào ngành công nghiệp, dịch vụ… Hệ lụy là người nghèo, nhóm yếu thế sẽ bị cơn bão giá làm cho thu nhập thực tế giảm xuống.

. Giá xăng dầu liên tục lập kỷ lục mới đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân, giá cảvà gây sức ép mạnh lên lạm phát. Vậy theo ông, cần làm gì để giảm thiểu tác động từ việc tăng mạnh giá xăng dầu, qua đó giảm thiểu lạm phát?

+ Xăng dầu là đầu vào quan trọng cho nhiều ngành kinh tế cũng như các ngành xuất khẩu trọng điểm của VN như da giày, may mặc, đồ gỗ… Giá xăng dầu kết hợp với nhiều nguyên liệu đầu vào tăng đang tạo ra cơn bão giá.

Vì vậy tôi đề xuất Nhà nước tính toán có sự hỗ trợ về lãi suất cho các ngành kinh tế chủ lực để làm tấm đệm giảm sức ảnh hưởng của giá nhiên liệu đầu vào hoặc trợ giá nhiên liệu cho các ngành vận tải công cộng để giảm giá thành vận chuyển, qua đó giảm tác động tiêu cực của cơn bão giá cả hiện nay. Điều này cũng giúp hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, với vốn đầu tư công thì cần đẩy mạnh xây dựng đường cao tốc, hạ tầng đường sá tốt hơn để rút ngắn cung đường vận chuyển, giảm tiêu hao nhiên liệu cho ngành vận tải.

Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN

Chọn lĩnh vực ưu tiên

. Nhiều ý kiến cho rằng để hạ nhiệt giá xăng dầu thì cần giảm ngay các loại thuế, phí qua đó để kiểm soát lạm phát. Quan điểm của ông ra sao?

+ Việc giá xăng dầu quốc tế tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng. Điều này là không bàn cãi vì VN vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, chúng ta có các loại thuế đánh trên xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường cũng như các loại phí khác. Các loại thuế, phí này chiếm hơn 40% trong mỗi lít xăng.

Nếu để ý phần lớn các loại thuế, phí này tính bằng phần trăm. Như vậy khi giá xăng dầu tăng thì các loại thuế, phí này cũng góp phần đẩy giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng mạnh.

Vì vậy để tránh tác động giá xăng tăng mạnh như hiện nay, tôi đề xuất Nhà nước nên chuyển từ thuế, phí tính theo phần trăm sang xác định bằng con số tuyệt đối. Có nghĩa là Nhà nước xác định khoản thu thuế, phí bằng con số cụ thể, chứ không tăng, giảm theo tỉ lệ phần trăm nữa và chỉ để giá xăng dầu bán lẻ thay đổi theo giá thế giới. Điều này vừa giúp Nhà nước đảm bảo nguồn thu ngân sách, đồng thời giúp kéo giảm giá xăng dầu xuống.

Mặt khác, nhân cơ hội xăng dầu tăng mạnh, chúng ta chuyển hướng sử dụng năng lượng sạch và bền vững trong sản xuất, kinh doanh, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

. Ông đánh giá như thế nào về tình hình lạm phát từ đây đến cuối năm?

Thu từ dầu thô tăng mạnh

Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, phân tích: Vào tháng 10-2021, VN xây dựng ngân sách năm nay với dự kiến giá dầu thô xuất khẩu ở mức 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, trên thực tế từ quý IV-2021, giá dầu thô xuất khẩu đã tăng lên mức 85 USD/thùng. Đến quý I-2022 vừa qua, VN đã xuất khẩu mặt hàng này với giá 100 USD/thùng.

Tính riêng năm tháng đầu năm nay, số thu từ dầu thô ước tính đạt 29.400 tỉ đồng, vượt 4,4% so với dự toán năm và tăng đến gần 91% so với cùng kỳ năm trước.

“Vì vậy, Nhà nước có thể lấy phần thặng dư này để hỗ trợ cho giá xăng hiện nay” - ông Hải nói.

+ Dự báo từ nay đến cuối năm, những bất ổn về xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung vẫn còn nên giá năng lượng, lương thực, thực phẩm vẫn đứng mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến VN.Chính vì thế VN cần phải nhanh chóng dùng các biện pháp giữ ổn định giá xăng dầu, đồng thời áp dụng hết sức linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa để hạ nhiệt lạm phát.

Với tài khóa phải chọn lĩnh vực ưu tiên, nên tập trung vào những ngành nghề kinh tế quốc dân tạo ra được giá trị hàng hóa gia tăng cao, kim ngạch xuất khẩu và công ăn việc làm, cũng như đổi mới và sáng tạo.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm