Theo hãng tin Reuters ngày 8-2, các luật sư đại diện các nạn nhân nộp đơn kiện nói trên là hai luật sư Jonah Arnold và cha là Mark Arnold.
Ông Mark Arnold hiện cũng đang đại diện cho nhiều thân chủ Canada trong các vụ tranh chấp với một số tập đoàn Iran ở nước này.
Đơn kiện vụ máy bay Ukraine bị Iran bắn rơi được nộp lên tòa án TP Toronto hôm 24-1 và đang trong quá trình xem xét.
Luật sư Jonah Arnold cho hay chính quyền Ottawa đã được yêu cầu phải đảm bảo tiến trình xét xử sẽ diễn ra. Ông Mark Arnold dự đoán vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm.
Hiện trường vụ Iran bắn rơi máy bay Ukraine ngày 8-1. Ảnh: AFP
Được biết nội dung đơn kiện có nêu tên bên bị đơn gồm có chính quyền Tehran, Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và một số chỉ huy trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Trong khi đó, danh tính của nguyên đơn chính được giữ kín. Hai luật sư trên cho biết điều này giúp bảo vệ gia đình nạn nhân không bị "chính quyền Iran ám sát hoặc làm hại".
Một trong các cáo buộc nêu ra trong đơn kiện là động thái của Iran hoàn toàn đủ cơ sở để cấu thành hành vi "cố tình và có chủ đích khủng bố".
Hiện Tehran chưa đưa ra phản ứng chính thức nào.
Theo Reuters, chính phủ một quốc gia thường sẽ không thừa nhận thẩm quyền của một tòa án nội bộ của một quốc gia khác. Tuy nhiên, Quốc hội Canada năm 2012 đã thông qua một đạo luật mở rộng quyền lực của tòa án nước này đối với những nước đang nằm trong danh sách quốc gia bị cho là hỗ trợ khủng bố như Iran và Syria.
Hôm 11-1, chính quyền Tehran thừa nhận tên lửa Iran đã vô tình bắn trúng chiếc 737-800 thuộc hãng hàng không Ukraine International Airlines khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 57 người Canada và 11 công dân Ukraine.
Đến ngày 3-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho hay phía Iran nhanh chóng đưa ra mức bồi thường cho gia đình của các nạn nhân là 80.000 USD/gia đình. Ông Zelenskiy cho rằng con số này quá ít và muốn Tehran bồi thường nhiều hơn.