Cánh hẩu công ty dược và nhà khoa học

Thuốc do hãng Novartis (Thụy Sĩ) sản xuất, mang tên biệt dược Diovan ở Mỹ, Anh, Nhật hay Tareg ở Pháp. Năm 2010, Diovan mang lại cho Novartis doanh thu kỷ lục hơn 6 tỉ USD trên toàn cầu.

Theo báo Le Monde (Pháp) ngày 22-7, kết quả có được một phần nhờ bài viết về công trình nghiên cứu của Nhật đăng trên tạp chí European Heart Journal (Anh) của Hiệp hội Nghiên cứu tim châu Âu số ngày 31-8-2009.

Trong hơn ba năm, êkíp nghiên cứu do BS Hiroaki Matsubara, GS ĐH y khoa cấp tỉnh Kyoto (Nhật), đứng đầu đã theo dõi khoảng 3.000 ca tăng huyết áp có triệu chứng bệnh tim mạch. Một nhóm dùng thuốc có thành phần valsartan của Novartis và nhóm đối chứng dùng các thuốc khác. Kết quả cho thấy ngoài tác dụng giảm tăng huyết áp, thuốc của Novartis còn làm giảm đáng kể nguy cơ nhói tim và tai biến mạch máu não. Đương nhiên Novartis không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá thuốc.

Đến năm 2011, các thành viên blog bắt đầu công bố các điều bất thường trong nhiều bài viết của GS Hiroaki Matsubara. Các tạp chí khoa học đã xem xét lại. Đầu năm 2013, tạp chí Circulation Journal (Mỹ) thông báo rút hai bài viết về thuốc có thành phần valsartan của GS Hiroaki Matsubara. Ngày 1-2, tạp chí European Heart Journal thông báo rút bài viết của GS Hiroaki Matsubara đăng trên số ra ngày 31-8-2009.

Mới đây ngày 11-7, ĐH y khoa cấp tỉnh Kyoto đã tổ chức họp báo công bố kết luận điều tra về công trình nghiên cứu của GS Hiroaki Matsubara. Chủ tịch Trường ĐH Toshikazu Yoshikawa đã cúi đầu xin lỗi công luận và cam kết sẽ không nhận lương dù ông không có liên quan. Sau đó, GS Hiroaki Matsubara đã xin từ nhiệm.

Kết luận điều tra cho biết trong bệnh án của 223 bệnh nhân được xem xét, êkíp nghiên cứu của GS Hiroaki Matsubara đã làm giả thông tin 34 bệnh án nhằm làm nổi bật thêm tác dụng của thuốc có thành phần valsartan đối với cơn nhói tim và tai biến mạch máu não. Trong nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc của Novartis, êkíp nghiên cứu cố ý giảm bớt các vấn đề tim phát sinh trong khi dùng thuốc. Còn đối với nhóm đối chứng, êkíp nghiên cứu lại nói vống thêm biến chứng.

Nếu loại bỏ 34 bệnh án bị làm giả thông tin thì các lợi ích giảm nguy cơ nhói tim và tai biến mạch máu não của thuốc của Novartis không còn nữa (kết luận này không liên quan đến hiệu quả điều trị tăng huyết áp).

Theo hãng tin Kyodo News (Nhật), đáng lưu ý là tham gia công trình nghiên cứu của GS Hiroaki Matsubara lại có một nhân viên của Novartis. Nhân viên này còn tham gia thử nghiệm thuốc có thành phần valsartan do nhiều trường đại học khác ở Nhật thực hiện. Không hiểu vì sao không ai phát hiện vấn đề xung đột lợi ích hiển nhiên như vậy.

Tạp chí khoa học Science (Mỹ) còn tiết lộ thêm: Phòng thí nghiệm của GS Hiroaki Matsubara đã nhận được khoảng 1,4 triệu USD tài trợ nghiên cứu. Rất dễ đoán ai là nhà tài trợ!

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm