'Cây xăng lỗ muốn đóng cửa, cơ quan chức năng đông cũng không quản lý được'

(PLO)-  Doanh nghiệp cho rằng thị trường xăng dầu hiện nay quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu, nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 21-9, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu.

Nhiều quy định bất hợp lý

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Sơn Hải, cho biết từ tháng 7 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm bằng 0.

“Với chiết khấu như trên, thương nhân chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa” - ông Hạnh chia sẻ.

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh: AH

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh: AH

Theo ông Hạnh, hiện nay chi phí tối thiểu cho 1 lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn đến khâu bán lẻ của công ty đang vào khoảng từ hơn 1.100 đến hơn 1.300 đồng/lít xăng dầu. Trong khi đó, lợi nhuận định mức không thay đổi, được áp dụng tối đa 300 đồng/lít.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính sớm cập nhật, xem xét tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay; có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý mức chiết khấu hoa hồng ở mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh” - ông Hạnh kiến nghị.

Bà Lê Thị Nhã, chủ Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Văn Phúc, cũng nêu những bất cập từ quy định mỗi đại lý xăng dầu chỉ được mua từ một nhà phân phối.

“Quy định này thực chất là bảo vệ lợi ích nhóm, triệt tiêu cạnh tranh. Mục đích của quy định này để dễ dàng quy trách nhiệm cho từng công đoạn trong khâu phân phối là chưa có sức thuyết phục. Bởi không cần quy định này vẫn có thể quản lý chất lượng xăng dầu không hề khó” - bà Nhã nhấn mạnh.

Một rừng thủ tục bao vây doanh nghiệp xăng dầu

Ông Ngô Trung Sơn, Công ty Xăng dầu Trung Sơn cho rằng bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay là quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu, nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, trong đó có những quy định không bám sát với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khoa học, làm doanh nghiệp rất khổ sở.

"Nếu chúng ta kiểm soát giá mà không tính đủ chi phí cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lỗ vốn thì họ không tha thiết bán hàng. Khi đó, họ sẽ tìm đủ mọi cách để không bán hàng. Dù lực lượng quản lý thị trường có đông đảo đến đâu, 10.000 hay 100.000 người thì cũng không thể quản lý được.

Người ta không thiếu gì cách để lách luật không bán hàng. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến người dân. Quy định không phù hợp với thực tế thì không thể quản lý được" - ông Sơn cho hay.

Tiếp tục đưa ra bất cập, ông Sơn lấy ví dụ một cây xăng đã xuống cấp nhưng muốn sửa chữa thì vô cùng khó khăn vì bị ràng buộc hàng loạt quy định. Nào là quy định về tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch kiến trúc...

"Để xin được một giấy phép sửa chữa hoặc cấp mới một cây xăng, tại Hà Nội phải đi qua 7-8 cơ quan với một rừng thủ tục. Một cây xăng để xin phép được cũng mất tối thiểu 5 năm, đó là nhanh, thậm chí 10 năm mà chưa chắc đã xong" - ông Sơn lấy dẫn chứng.

Tiếp tục phân tích, doanh nghiệp này cho hay trong quy định về cây xăng yêu cầu phải có đề án chống sự cố tràn dầu, đây là quy định không hợp lý, chỉ phù hợp với phương tiện vận tải trên sông. Bởi với các cây xăng, các bể chỉ có dung tích 10-20 khối, hệ thống kín, khi nhập hàng cũng phải nhập kín để tránh bay hơi, hao hụt...

"Quy định cây xăng phải có đề án chống sự cố tràn dầu để làm gì, tự nhiên thêm một giấy phép, rất vô lý. Tôi nói thật hầu hết đại đa số đều đi mua. Hay đề án bảo vệ môi trường, có thể đúng với ngày xưa là xăng có chì, nhưng hiện giờ là xăng không chì, nên quy định này cũng không phù hợp, lại tạo ra một chi phí không phù hợp cho doanh nghiệp" - doanh nghiệp bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm