Chàng trai rong ruổi xuyên Việt để làm tình nguyện viên

(PLO)- Với hành trang một xe máy, một máy ảnh, chàng trai quê Tiền Giang rong ruổi khắp mọi miền đất nước tham gia các hoạt động tình nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Mỗi buổi sáng, thứ đánh thức mình dậy không phải là đồng hồ báo thức mà là tiếng rái cá, tiếng vượn hú. Mình rất thích cảm giác buổi sáng xách máy ảnh đi dạo trong rừng, nhìn những con thú thoắt ẩn thoắt hiện” - Quan Nguyên Phát (33 tuổi) chia sẻ cảm giác bắt đầu một ngày làm tình nguyện viên ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (gọi tắt là Vườn quốc gia Bù Gia Mập).

Tình yêu với động vật hoang dã

Công việc của Phát ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập là cho thú ăn và vệ sinh chuồng trại. Dù mới đến được hai tuần nhưng Phát đã nắm rõ công thức cho thú ăn và vệ sinh chuồng trại một cách thành thục như những nhân viên ở đây.

Phát (bìa trái) tham gia vận động, quyên góp mua dụng cụ học tập cho trẻ em vùng cao Măng Bút, tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC

Phát (bìa trái) tham gia vận động, quyên góp mua dụng cụ học tập cho trẻ em vùng cao Măng Bút, tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC

“Hiện tại mình có thể tự đi cắt cỏ, chuẩn bị thức ăn, cho hươu, nai ăn, vệ sinh chuồng, cuốc đất trồng rau… Mình rất may mắn khi được chứng kiến hoạt động thả thú về rừng - ngôi nhà thực sự của chúng” - Phát kể trong khi tay đang thoăn thoắt xay chuối. Gặp Phát đang chăm sóc động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Phát vui vẻ chia sẻ đây là địa điểm mà mình chọn dừng chân trong hành trình năm nay trước khi về quê nghỉ tết.

Có điều kiện được đi nhiều nơi, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, suối thác hùng vĩ của đất nước, Phát khá bức xúc khi ý thức bảo vệ môi trường của con người còn kém.

“Xung quanh những cảnh đẹp còn đầy giấy rác, vỏ lon, thậm chí là đống than củi chưa dập hoàn toàn của những người đến tổ chức tiệc tùng để lại. Trong khi đó, bảo vệ môi trường tự nhiên không cần phải làm gì quá cao siêu, to lớn, chẳng hạn chỉ cần bỏ rác đúng nơi. Chỉ cần mỗi người chúng ta cùng nâng cao nhận thức, có trách nhiệm thì chắc chắn những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng” - Phát trăn trở.

“Mình rất ngưỡng mộ công việc của những người làm công tác chăm sóc động vật hoang dã. Mỗi con thú đến với trung tâm có một câu chuyện riêng, có con thì bị bạo hành, có con bị sập bẫy cụt chi, có con bị buôn bán trái phép. Mình thấy cần phải làm gì đó để giúp đỡ chúng sớm được về với tự nhiên, về nhà của chúng” - Phát tâm sự.

Hiện tại Phát đang vận động, quyên góp để xây dựng chuồng trại cho các động vật ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập vì đa số chuồng đã không còn phù hợp với đặc tính của từng loài.

Trước đó, Phát từng có thời gian vận động và tham gia hỗ trợ rùa biển đẻ trứng ở Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận). Nhóm Phát sẽ đi xóa dấu vết của ổ trứng để người khác không lấy trứng. Nếu rùa đẻ ở nơi nước biển ngập thì nhóm sẽ di dời ổ vào nơi an toàn để trứng không bị hư… Ngoài ra, Phát còn tham gia ươm cây, trồng rừng tại Măng Đen, Kon Tum.

Muốn cám ơn cuộc đời

Phát chia sẻ đang làm công việc tự do (freelance) ở lĩnh vực digital marketing, thiết kế website. Công việc này vừa giúp Phát trang trải chi phí sinh hoạt vừa có thời gian thoải mái để đi làm tình nguyện.

Ngoài các hoạt động chăm sóc động vật hoang dã, Phát còn thường xuyên tìm kiếm các hoạt động tình nguyện để tham gia như: tặng quà cho học sinh nghèo tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Bình Định, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang; hỗ trợ bà con ở Khánh Hòa, Quảng Bình bị ảnh hưởng do bão; tham gia tặng quà cho đồng bào K’Ho và bệnh nhân trại tâm thần ở Lâm Đồng; trao quà Trung thu cho trẻ em ở Quảng Nam…

Phát chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là vận động, quyên góp mua dụng cụ học tập tặng cho học sinh trường tiểu học vùng cao Măng Bút, tỉnh Kon Tum. “Mình biết trường tiểu học này khi đến dạy tình nguyện. Trường ở rất xa, cách thị trấn 40-50 km, đường lại rất khó đi. Lúc đó, mình đã vận động, quyên góp tiền để mua dụng cụ học tập, giày dép tặng các em trước ngày khai giảng. Đây là lần đầu tiên mình kêu gọi quyên góp nhưng được mọi người ủng hộ rất nhiều” - Phát nhớ lại.

Kể về động lực tham gia làm tình nguyện của mình, Phát chia sẻ ngày trước gia đình có năm anh em đi học nên hoàn cảnh rất khó khăn, Phát được nhiều thầy cô và mọi người xung quanh giúp đỡ. Vì vậy, Phát luôn cảm thấy biết ơn và mong muốn sau này cũng mang những điều tốt đẹp chia sẻ đến các em học sinh, đặc biệt là học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện tại mỗi tháng gia đình Phát tại Tiền Giang cũng cùng mọi người tập trung tại nhà Phát để nấu cơm từ thiện. Cơm được mang đến phát cho bệnh nhân ở BV đa khoa Tiền Giang và BV đa khoa Chợ Gạo.•

Ấn tượng với chàng trai làm tình nguyện nghiêm túc

Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh, trưởng nhóm của chương trình chụp ảnh chân dung miễn phí Help Potrait tại mái ấm Tâm Đức (quận 4, TP.HCM), vừa mời Phát đến chụp ảnh cho các em nhỏ nơi đây vào ngày 11-12.

Chị Thanh cho biết trước đó biết đến Phát qua những câu chuyện thiện nguyện tích cực được Phát chia sẻ trên Facebook. Sau này, khi có sự kiện ý nghĩa, tình nguyện viên đầu tiên chị nghĩ đến là Phát.

“Nhìn cách bạn ấy làm việc, mình rất ngưỡng mộ và ấn tượng sâu sắc về bạn. Trong công việc, Phát cực kỳ nghiêm túc, tuân thủ thời gian và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Còn khi vui chơi với những em nhỏ, Phát như một người khác, năng nổ, vui tính, thích pha trò cho các em cười” - chị Thanh chia sẻ.

Phát chăm sóc tận tình cho những con thú để chúng sớm được về với môi trường tự nhiên. Ảnh: VÕ THƠ

Phát chăm sóc tận tình cho những con thú để chúng sớm được về với môi trường tự nhiên. Ảnh: VÕ THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm