Đề nghị các vị đứng đầu các cơ quan điều tra - truy tố - xét xử làm rõ thêm vì sao hầu hết bị cáo đều khẳng định mình vô tội? Phải chăng các quy định pháp luật hiện nay có nhiều cách hiểu và cách vận dụng rất khác nhau”.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đánh giá: “Vụ án Nguyễn Đức Kiên đã được xét xử sơ thẩm, thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa để xem xét toàn diện tất cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và cũng không để lọt tội phạm. Bản án kết hợp nguyên tắc trừng trị với khoan hồng. HĐXX độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm về phán quyết kết án bị cáo Nguyễn Đức Kiên gồm bốn tội. Đối với tội kinh doanh trái phép, VKS đề nghị 18-24 tháng tù, HĐXX đã tuyên 20 tháng tù. Đối với tội trốn thuế, VKS đề nghị 4-5 năm tù, HĐXX đã tuyên phạt sáu năm sáu tháng tù. Đối với tội cố ý làm trái, VKS đề nghị 14-16 năm tù, HĐXX tuyên phạt 18 năm tù. Đối với tội lừa đảo, VKS đề nghị 16-18 năm tù, HĐXX đã tuyên 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Như vậy, mức án của HĐXX đã tuyên đối với các tội của Nguyễn Đức Kiên đều cao hơn so với đề nghị của VKS. HĐXX còn tuyên phạt bị cáo ba lần tiền trốn thuế 75 tỉ đồng, phạt 100 triệu đồng đối với tội lừa đảo, cấm hành nghề liên quan đến hoạt động ngân hàng năm năm. HĐXX cũng đã khởi tố tại phiên tòa hai vụ án hình sự và yêu cầu VKS phải tiếp tục xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.
Với tư cách là chánh án TAND Tối cao, tôi phải tôn trọng quyết định của HĐXX. Nếu như vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì tòa án sẽ tiếp tục xem xét theo trình tự phúc thẩm”.
TỐ NHƯ