Châu Á đối phó dịch Ebola

Nỗi lo dịch sốt xuất huyết Ebola từ Tây Phi lan tràn các nước xuất hiện sau khi Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cảnh báo dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đã vượt khỏi vòng kiểm soát.

Tại Philippines, trang tin Rappler đưa tin ngày 31-7, Bộ trưởng Y tế Enrique Ona thông báo Bộ Y tế đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa gồm:

- Kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh.

- Hành khách ở sân bay phải điền vào mẫu đơn để xác định có phải đến từ các nước có dịch Ebola hay không.

- Hướng dẫn phòng tránh Ebola cho kiều dân Philippines ở Liberia, Guinea và Sierra Leone. Yêu cầu đối tượng này kiểm tra y tế trước khi về nước.

- Tổ chức hội thảo dành cho các cơ quan y tế cùng các ban ngành chính phủ có liên quan.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở Sierra Leone. Ảnh: COSMOS

Cùng ngày tại Singapore, Bộ Y tế thông báo đã chỉ đạo các bệnh viện phải cảnh giác trong xét nghiệm, nhất là đối với các bệnh nhân nghi nhiễm Ebola và từng đến các nước có dịch Ebola.

Bộ Y tế yêu cầu cách ly mọi ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Ebola. Những người tiếp xúc với ca nhiễm cũng bị cách ly.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi đi ra nước ngoài, nhất là khi đến các nước có dịch bệnh, phải thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết và dịch lỏng từ cơ thể người và động vật nhiễm Ebola, tránh tiếp xúc với động vật hoang dã như dơi, khỉ, tinh tinh dù còn sống hay đã chết.

Tại Malaysia, Bộ Y tế đã chỉ thị các cơ sở y tế các cấp phải trang bị, thiết bị, cần thiết để xử lý các ca nghi nhiễm Ebola.

Tại đặc khu Hong Kong, cơ quan y tế đã yêu cầu các bác sĩ và phòng cấp cứu báo cáo ngay nếu phát hiện bệnh nhân có triệu chứng sốt, từng đến Liberia, Guinea hoặc Sierra Leone trong 21 ngày qua.

Tại châu Phi, các nước tiếp tục ngăn chặn dịch Ebola.

Tổng thống Liberia (Tây Phi) Ellen Sirleaf Johnson đã thông báo đóng cửa tất cả trường học. Viên chức làm việc trong các lĩnh vực không quan trọng được nghỉ 30 ngày. Một trung tâm cách ly sẽ được xây dựng ở thủ đô Monrovia.

Trước đó, Liên đoàn Bóng đá Liberia đã thông báo ngừng mọi hoạt động thi đấu.

Liberia cũng đã thông báo đóng cửa biên giới và cấm tụ tập nơi công cộng.

Ngày 31-7, Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tại Ghana, Bộ Y tế chuẩn bị thành lập ba trung tâm điều trị Ebola ở ba miền. Chính phủ đã lập nhóm công tác liên bộ (gồm các bộ trưởng Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, Truyền thông) để điều tra nguồn lây nhiễm virus Ebola.

Bộ Y tế Nam Phi đã triển khai máy đo thân nhiệt ở hai sân bay quốc tế và yêu cầu nhân viên y tế ở cửa khẩu quốc tế phải cảnh giác cao đối với hành khách. Các nhóm phản ứng dịch bệnh của Bộ được đặt trong tình trạng báo động.

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế đã tham vấn Tổ chức Y tế Thế giới về các biện pháp phòng, chống Ebola.

Hai hãng hàng không Arik Air (Nigeria) và ASKY (Togo) đã quyết định ngưng các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone.

Ngày 30-7, tổ chức thiện nguyện Peace Corps của Mỹ thông báo tạm thời rút 340 nhân viên tình nguyện khỏi Liberia, Sierra Leone và Guinea. Trong số này có hai nhân viên đã tiếp xúc với một ca tử vong.

LÊ LINH - HOÀNG DUY

Giáo sư Peter Piot, người Bỉ là người cùng khám phá virus Ebola vào năm 1976, hiện là giám đốc Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh). Ông tuyên bố lạc quan rằng virus Ebola không có khả năng gây dịch bệnh ngoài phạm vi châu Phi. Ông ghi nhận cần phải tiến hành thử nghiệm nơi con người đối với các vaccine và biện pháp điều trị virus Ebola đã mang lại kết quả hứa hẹn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm