Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch châu chấu sa mạc trên thế giới và kế hoạch ứng phó châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam.
Thông tin mới nhất, đàn châu chấu sa mạc tại Đông Phi với số lượng ước tính hàng trăm triệu con đang bao phủ 2.400 km2 diện tích tại đây. Mỗi nơi chúng đi qua, cây trồng, hoa màu bị tàn phá nặng nề.
Đàn châu chấu sa mạc tại Đông Phi với số lượng ước tính hàng trăm triệu con đang bao phủ 2.400 km2. Ảnh: https://vntravellive.com.
"Nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng, 1/5 diện tích hoa màu, đồng cỏ trên thế giới bị tàn phá, đe dọa an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người" - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) lo ngại.
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, đàn châu chấu sa mạc vẫn đang tiếp tục sinh sản và nhân đàn tại Đông Phi và bán đảo Ả Rập. Tại khu vực Tây Nam Á, châu chấu đang hình thành các đàn nhỏ tại khu vực đẻ trứng. Cá biệt tại Ấn Độ, do ảnh hưởng của siêu bão Andama gây ra các đợt gió mạnh nên một số đàn châu chấu đã di chuyển từ khu vực sinh sản tại khu giáp biên giới Pakistan tới phía bắc và miền trung Ấn Độ.
"Hiện nay, châu chấu sa mạc đã gây hại tại Pakistan, cuối tháng 5 đã xâm nhập vào phía Bắc và phía Tây Ấn Độ và có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Banglades, Myanmar, Lào hoặc các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và vào Việt Nam. Nếu dịch bùng phát tại các khu vực kể trên, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam" - Bộ NN&PTNT cho biết.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đặt ra các mốc cảnh báo xa, gần để có sự chủ động trong công tác ứng phó. Trong đó, cảnh báo xa là khi chúng xâm nhập vào phía nam Ấn Độ, Banglades. Cảnh báo gần là khi chúng xâm nhập vào Myanmar, Vân Nam (Trung Quốc) và Lào. Trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam mà không qua các nước kể trên thì lập tức chuyển sang phương án phòng chống trực tiếp.
"Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình các đàn châu chấu di cư; các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc từ FAO và các nước liên quan để chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả" - Bộ NN&PTNT cho biết.
Cạnh đó, Bộ cũng làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao 2.000 m hoặc hơn. Bộ cũng làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia về nội dung này để sử dụng radar dân sự thuận lợi hơn.