Dẫn lời các quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ, tờ The Washington Post cho biết Venezuela đang tiến gần đến bờ vực khủng hoảng dân sự toàn diện và có thể đi đến đảo chính. Viễn cảnh này có thể sẽ diễn ra trong năm nay, đặc biệt khi các cuộc đụng độ giữa an ninh và người biểu tình xảy ra ngày một thường xuyên. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại đất nước Nam Mỹ đang nhanh chóng lan rộng sang các phương diện xã hội và chính trị.
Cuộc khủng hoảng toàn diện
Venezuela đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế từ tháng 1-2016, bao gồm chính sách tem phiếu thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu khác. Cường quốc dầu mỏ một thời giờ đây đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng bởi giá dầu rớt thê thảm. Các chỉ trích cũng nhắm đến những nỗ lực chống tham nhũng chưa hiệu quả của chính quyền tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng đầu tư mạnh tay vào các chương trình xã hội là nhờ tiền thuế khổng lồ từ lợi nhuận xuất khẩu dầu thô. Hiện Venezuela vẫn duy trì vị trí là một trong những nhà cung cấp dầu thô lớn của Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng giá dầu tuột dốc suốt hơn một năm qua đã đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái mạnh. Giá dầu - nguồn cung chủ yếu của ngân sách chính phủ Venezuela - đã giảm gần 69% trong thời gian qua. Cộng với một số chính sách quản lý sai lầm, chính quyền Caracas đã không còn đủ khả năng chi trả việc nhập khẩu và trả các khoản nợ nước ngoài của mình, theo The Washington Post.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá mức lạm phát tại Venezuela lên đến 700%. Không chỉ thế, nạn hạn hán trầm trọng nhất gần 50 năm qua cũng gây nên tình trạng thiếu điện và thiếu nước liên miên. Để giảm chi phí, chính quyền Caracas buộc phải ban hành chính sách ngắt điện thay phiên và giảm thời gian làm việc của nhân viên nhà nước còn hai ngày/tuần. Điều này cũng khiến năng suất lao động giảm mạnh.
Với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thực phẩm, thuốc men và đồ tiêu dùng, những hàng dài chờ đợi được mua các mặt hàng nhu yếu phẩm đã trở thành cảnh tượng quen thuộc. Theo tờ The Independent, Venezuela ghi nhận tình trạng hôi của đang gia tăng, các mặt hàng bị trộm cắp chủ yếu là bột mì, thịt gà và quần áo. Cảnh sát và quân đội đã buộc phải sử dụng đến lựu đạn cay để giải tán các đám đông giận dữ ném đá chống đối lực lượng chấp pháp. Các lực lượng đối lập cũng kích động nhiều cuộc biểu tình đòi ông Maduro phải từ chức.
Tình trạng kinh tế suy thoái trầm trọng khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Venezuela. Ảnh: AP
Quân đội đã phải dùng đến lựu đạn cay để đối phó với những người biểu tình ném đá vào lực lượng chấp pháp. Ảnh: AP
Tổng thống Maduro đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: REUTERS
Nguy cơ chính phủ sụp đổ?
Các lực lượng đối lập tại Venezuela đã tổ chức thu thập chữ ký cho đơn kiến nghị yêu cầu ông Maduro từ chức. Phe đối lập đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền ông Maduro vẫn nắm giữ phần lớn quyền lực và đang tìm cách trì hoãn việc kiểm tra độ xác thực của các chữ ký đòi trưng cầu dân ý, theo The Washington Post. Nếu như cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trước ngày 10-1-2017 và ông Maduro thất bại, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức. Còn nếu kịch bản này diễn ra sau ngày 10-1, phó tổng thống đương nhiệm sẽ thay thế vị trí ông Maduro và giữ chức đến hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2019.
Trao đổi với các phóng viên tại Washington, một số quan chức tình báo giấu tên của Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ sụp đổ của chính phủ Venezuela. Các quan chức này chỉ ra ba kịch bản “thay đổi chính quyền” có khả năng xảy ra tại thủ phủ Caracas. Thứ nhất, nếu trưng cầu dân ý năm nay không thành công, nhiều khả năng một đơn kiến nghị đòi Maduro từ chức sẽ tiếp tục được thúc đẩy vào năm 2017. Thứ hai, một cuộc “đảo chính cấp cao” sẽ xảy ra. Theo đó, một số thành viên chính phủ của ông Maduro sẽ tìm cách lật đổ ông với sự giúp đỡ của một số chỉ huy quân đội. Trong kịch bản thứ ba, một chiến dịch quân sự chống chính quyền có thể sẽ diễn ra. Chiến dịch này có thể được lãnh đạo bởi các sĩ quan quân sự cấp thấp và quân nhân, những người đang chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế.
Tờ The Washington Post cho biết mối lo ngại lớn nhất của Mỹ hiện nay là viễn cảnh một quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực Mỹ Latin rơi vào cảnh sụp đổ. Tuy nhiên, trả lời báo giới tại Washington, một quan chức tình báo cũng khẳng định: Nước Mỹ đã qua rồi thời kỳ mong muốn lật đổ cố Tổng thống Chavez và chính quyền cách mạng của ông. “Điều nước Mỹ mong muốn nhất là không bùng nổ tình trạng bạo động chính trị” - ông cho biết. “Chúng ta có thể nghe thấy rõ tiếng băng đang rạn vỡ. Một cuộc khủng hoảng đang đến gần”.
Cứu cánh nào cho Maduro?
Dẫn lại một bài báo nhan đề “Mỹ nhìn thấy rủi ro đảo chính tăng cao tại Venezuela”, chuyên gia cố vấn chính phủ Eva Gollinger lại đặt nghi vấn liệu từ “nhìn thấy” có phù hợp, hay thật ra là Mỹ đang “thúc đẩy” việc đảo chính. Trước tình trạng hiện tại, Tổng thống Nicolas Maduro cũng đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc thêm 60 ngày nữa. Phản ứng lại lời cảnh báo của các quan chức tình báo Mỹ, ông cáo buộc chính quyền Washington đang âm mưu tìm cách chống lại ông. Trên truyền hình quốc gia ngày 13-5, ông cáo buộc phía Mỹ đang xúi giục đảo chính. “Washington đang có các động thái hỗ trợ lực lượng phát xít cánh hữu tại Venezuela. Những lực lượng này đang được cổ súy sau cuộc đảo chính thành công tại Brazil” - ông Maduro khẳng định.
Ông Maduro cũng đã cảnh báo sẽ tịch thu các nhà máy nào hiện đang không chịu hoạt động, đồng thời sẽ buộc chủ nhân các nhà máy này phải ngồi tù vì hành động làm phương hại kinh tế đất nước. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tập đoàn Thực phẩm và Nước giải khát Polar tháng 2-2016 ngưng sản xuất bia. “Chúng ta phải làm mọi cách để khôi phục năng lực sản xuất hiện đang bị các nhóm lợi ích làm cho tê liệt. Bất kỳ ai muốn ngưng sản xuất nhằm làm hại đất nước nên bị loại bỏ. Những ai dám vi phạm phải bị còng tay và đưa đến trại cải tạo tập trung Venezuela” - theo BBC.
Chính quyền Caracas cũng đang đau đầu tìm cách khôi phục lại mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của quốc gia. Theo tờ Foreign Policy, dưới thời ông Hugo Chavez, nợ chính phủ đã gia tăng mạnh, đồng thời các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng hiện diện ở nhiều lĩnh vực kinh tế Venezuela. Theo Ngân hàng Barclay (Anh), Trung Quốc đã cho Venezuela vay gần 18 tỉ USD, trong đó có các khoản hỗ trợ tài chính ngắn hạn quy đổi trả nợ bằng dầu thô. Việc giá dầu giảm khiến cho Venezuela phải chuyển cho Trung Quốc nhiều dầu hơn và làm mất cân bằng xuất khẩu dầu thô. Ngân hàng Barclay ước đoán Venezuela hiện phải trả cho Trung Quốc gần 800.000 thùng dầu/ngày, đẩy lượng dầu bán ra thị trường của nước này xuống chỉ còn khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Khủng hoảng kinh tế được kìm hãm? Mark Weisbort, chuyên gia khu vực Mỹ Latin thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính trị (Washington), xác nhận rằng nền kinh tế Venezuela đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tình trạng không tồi tệ như dự đoán của IMF. Weisbort cho biết mức lạm phát của quốc gia Nam Mỹ đang được hãm lại ở 180%. Cái gai trong mắt Mỹ Theo tờ The Independent (Anh), Mỹ trong quá khứ đã có rất nhiều lần tìm cách can thiệp vào tình hình chính trị Venezuela, cũng như các đất nước khác trong khu vực Mỹ Latin. Năm 2002, Mỹ được cho là đã trợ giúp cho các lực lượng lật đổ cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định Mỹ đã đổ hàng triệu USD cho các đối thủ của ông Chavez, thông qua Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Quốc gia (NED). Diễn thuyết tại Liên Hiệp Quốc, ông Hugo Chavez từng cáo buộc chính quyền Tổng thống George W. Bush là chủ mưu đằng sau vụ đảo chính. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013, một cựu quan chức Mỹ đã cáo buộc ông Maduro “cướp” chiến thắng bằng cách gian lận bầu cử, theo The Independent. Ông Mark Weisbrot cũng bày tỏ sự nghi ngờ động cơ của những quan chức tình báo Mỹ: “Mỹ có chính sách chủ trương thay đổi thể chế tại Venezuela trong ít nhất là 15 năm qua. Những phát biểu này là một phần của chiến lược đó. Các phát biểu của họ là để đe dọa và gây bất ổn cho đất nước này”. Ông Maduro đã thề sẽ không để bị ép từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019. Ông cáo buộc phe đối lập đang tìm cách đảo chính để hủy diệt những di sản mà người tiền nhiệm Hugo Chavez đã để lại. |