Vị chủ tịch Hội CĐV Bóng đá Việt Nam nói ông rất vui mỗi khi cầm trên tay thiệp mời dự đêm gala công bố và trao giải Fair Play của Pháp Luật TP.HCM. Hỏi ông nghĩ ai sẽ đăng quang trong đêm hội bóng đá tổ chức ngày 1-3 tại Nhà văn hóa Thanh niên, ông Nghĩa thú thật: “Cá nhân tôi thấy quá khó khăn khi buộc phải lựa chọn cá nhân hay tập thể nào vì thấy đề cử nào cũng xứng đáng cả”.
Sau nhiều lần đắn đo, ông Trần Hữu Nghĩa cũng trải lòng mình: “Tôi chọn đội tuyển nữ Việt Nam vì sự lăn xả, hy sinh của họ tại giải vô địch AFF Cup. Sự cống hiến của họ thật đáng khen ngợi. Chính họ chứ không ai khác đã nhiều lần mang vinh quang về cho đất nước từ sân chơi bóng đá Đông Nam Á.
Tôi biết mọi người dân trong nước và cả bạn bè các nước đều cảm phục những cô gái Việt Nam luôn có thái độ thắng không kiêu, bại không nản.
Chủ tịch VFS Việt Nam Trần Hữu Nghĩa tham gia chương trình bình luận về cổ động viên và bóng đá Việt Nam. Ảnh: CTV
Điều làm người hâm mộ mến yêu họ hơn nữa chính từ phong thái điềm đạm cùng thái độ chấp nhận kết quả trận đấu đúng theo tinh thần fair play. Không mấy ai giữ nổi sự tỉnh táo như các cô gái của chúng ta trước cách cầm còi thiếu công tâm, gây bức xúc của trọng tài nữ Myanmar trong tình huống quả phạt đền qua vạch vôi cầu môn hay chưa trong trận chung kết AFF Cup 2016.
Cách ứng xử của tuyển nữ Việt Nam càng được nể phục hơn qua cách trả lời của HLV trưởng Mai Đức Chung sau trận đấu là chỉ phân tích chuyên môn chứ không hề đổ lỗi cho trọng tài.
Tôi không biết mình có sự thiên vị nào không bởi tôi đã chọn các nữ cầu thủ quốc gia vào vị trí số một, tiếp đến số hai vẫn là đội nữ khoác áo TP.HCM.
Thật cảm động khi biết các cô gái trót đam mê nghiệp quần đùi áo số chẳng dư dả gì vẫn kêu gọi nhau đóng góp tiền lương, thưởng của mình để giúp xây và trao nhà tình nghĩa cho người nghèo. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa của tuyển nữ TP.HCM, không chỉ từ việc trao ba căn nhà tình thương cho những hoàn cảnh ngặt nghèo ở các phường Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang (quận 1, TP.HCM).
Nhiều năm qua họ luôn chung sức ở các trận đấu gây quỹ ủng hộ những VĐV, các trường hợp khó khăn như Lê Thị Huệ, Hoàng Hà Giang, nhà báo Minh Hùng; thăm hỏi một VĐV Quảng Ninh bị chấn thương, đồng hành với chương trình nước sạch cho nông dân Bến Tre…
So với các đồng nghiệp nam thì thu nhập và điều kiện sinh hoạt của đội nữ thua thiệt hơn rất nhiều. Nhưng họ không xem đấy là một khó khăn, cản trở họ đến với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cái cách thể hiện tình người trong một xã hội mà cuộc sống chưa thật sự sung túc đều đặn như hiện nay thật đáng quý.
Tôi luôn nghĩ lòng nhân hậu thường có sẵn trong mỗi con người, đặc biệt là phụ nữ. Hành động chia sẻ, nhường cơm sẻ áo của bất cứ ai đều cần nên biểu dương và khích lệ. Tôi lại nhớ có vài lần bất chợt thấy các cầu thủ của đội tuyển nữ TP.HCM mua quần áo, nhiều nhất là trẻ con, để làm quà tặng cho những đồng đội cũ lập gia đình, thấy thương gì đâu!
Vị trí thứ ba, tôi chọn đội tuyển Futsal Việt Nam tại vòng chung kết World Cup Futsal 2016 tổ chức ở Colombia. Dưới sự dẫn dắt của HLV Bruno, đội trưởng Bảo Quân và đồng đội đã tạo nên dấu ấn đậm nét khi vào đến vòng knock out. Một thành tích hết sức vinh dự cho đất nước Việt Nam vì lần đầu tiên có một đội tuyển làm được.
Ấn tượng ghi dấu đậm nét hơn là từ chính lối chơi giàu tinh thần cống hiến. Họ đã liên tục gây bất ngờ đối với giới truyền thông quốc tế và cả FIFA. Chính FIFA đã trao cho đội tuyển Futsal Việt Nam danh hiệu Đội bóng fair play vòng chung kết World Cup Futsal 2016 đủ nói thay cho sự cao thượng của thầy trò Bruno.
Tôi nghĩ cũng nhờ thành tích chói sáng này, phong trào Futsal trên lãnh thổ Việt Nam càng ngày càng nhân rộng và phát triển một cách mạnh mẽ hơn…”.
Hội CĐV Bóng đá Việt Nam (VFS) trong đêm gala trao giải Fair Play ngày 1-3 tuy không có trong danh sách sáu đề cử chính thức nhưng cũng nhận được vinh dự được ban tổ chức biểu dương qua hành động cụ thể hết mình giúp các CĐV Thái Lan theo đội nhà cổ vũ tại giải U-21 quốc tế. Hình ảnh thật dễ thương khi các CĐV VFS xem các CĐV Thái Lan như anh em một nhà và hết mình hỗ trợ từ việc căng từng chiếc banderole đến mua sắm những vật dụng thiếu thốn hay phương tiện đi lại… |