Ngày 1-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 sau kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV.
Đã cảnh báo nhưng còn quá chủ quan
Trước các ý kiến của cử tri về sự cố an ninh mạng ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mới đây Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết hai năm trước, khi còn là bộ trưởng Bộ Công an, ông đã viết cuốn sách Không gian mạng - Tương lai và hành động, phát hành nội bộ để tham khảo. Vấn đề chống chiến tranh mạng là hết sức cần thiết, các nước đều đề cập rất nhiều đến hình thức này. Chiến tranh mạng là hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra thì để lại hậu quả khôn lường.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đã rất chú ý đến vấn đề chống tội phạm mạng và chiến tranh mạng và đặt ra những phương án để bảo đảm an toàn thông tin. “Vấn đề an ninh, an toàn mạng là hết sức cấp bách. Chiến lược an ninh mạng đã được đặt lên bàn nghị sự và Trung ương đang tập trung chỉ đạo giải quyết” - Chủ tịch nước nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng khẳng định sự cố xảy ra thời gian gần đây cho thấy chúng ta hết sức chủ quan. Cơ quan an ninh mạng đã cảnh báo cho các tổ chức, tập đoàn kinh tế về những nguy cơ nhưng các đơn vị này vẫn coi đó là vấn đề xa lắc, không triển khai các giải pháp phòng ngừa. “Các chuyên gia mạng khẳng định Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng. Thế nhưng ý thức phòng ngừa chưa đầy đủ. Hiện nay việc bảo đảm an ninh không chỉ trong phạm vi vùng trời, vùng biển, vùng đất mà còn là không gian mạng” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi với cử tri quận 1 sáng 1-8. Ảnh: TÁ LÂM
Xử nghiêm bất kỳ ai dính đến sai phạm Formosa
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề nghị phải chỉ rõ những địa chỉ trách nhiệm cụ thể và truy tới cùng đối với những cá nhân liên quan từ sự cố môi trường Formosa. “Phải chỉ rõ những cá nhân nào liên quan, không thể nói trách nhiệm chung chung như thế được” - cử tri Lê Thanh Bình, quận 1 đề nghị.
Liên quan đến việc cấp phép cho Formosa hoạt động tới 70 năm, nhiều cử tri đề nghị phải làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn. “Vừa rồi trên báo chí, ông Võ Kim Cự nói cấp phép cho Formosa 70 năm là đúng. Trong khi cơ quan chức trách khác bảo không đủ điều kiện. Nếu ông Cự đúng thì phải sửa Luật Đầu tư. Còn nếu ông Cự làm sai thì xử lý như thế nào?” - cử tri Nguyễn Minh Quang đặt vấn đề.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước khẳng định vụ Formosa là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài. Formosa đã thừa nhận trách nhiệm, cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, không để tái diễn ô nhiễm môi trường. Chủ tịch nước cho biết sẽ yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm túc những cam kết này. Ngoài ra, những vi phạm môi trường khác của Formosa như chôn chất thải ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Nai sẽ được thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm.
Đối với các tổ chức và cá nhân về phía Việt Nam liên quan đến sự cố môi trường Formosa, Chủ tịch nước cho biết sẽ phải kiểm điểm, đưa ra xử lý đúng quy định của pháp luật. “Cụ thể là ai phải chờ kết luận của cơ quan chức năng trong thời gian ngắn nữa thôi. Hiện nay đang chỉ đạo kiểm điểm ở địa phương, bộ, ngành với tinh thần bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có liên quan đến sai phạm đó đều bị xử lý nghiêm minh” - ông nói.
“Sao không khởi tố lãnh đạo Vinaconex?” Đó là câu hỏi của cử tri Lê Thanh Bình, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, đặt ra cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cử tri Bình cho rằng Đảng và Nhà nước luôn khẳng định xử lý sai phạm không có vùng cấm, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. “Vậy tại sao có những vụ như lãnh đạo Vinaconex sai phạm như thế mà không bị khởi tố?” - ông Bình đặt vấn đề. Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết các cơ quan điều tra cũng đã có kết luận về mức độ sai phạm của từng cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý cũng như xem xét về nhân thân, thành tích công tác, đề xuất là trường hợp này truy tố, trường hợp kia không truy tố. “Đó là quyền của các cơ quan tư pháp nhưng quyết định cuối cùng là của tòa án… Tòa là người phán quyết cuối cùng, xem xét tình tiết tăng nặng giảm nhẹ như thế nào sẽ quyết định hình phạt. Nếu tòa xử thấy chưa thỏa đáng thì tiếp tục kháng nghị chứ không có vùng cấm, không chừa bất cứ ai” - ông Trần Đại Quang nói. Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết thêm quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không chịu áp lực từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. “Với tư cách người đã từng là bộ trưởng Bộ Công an, tôi thấy rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, đòi hỏi quyết tâm cao, đòi hỏi bản lĩnh của người chỉ huy, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là rất quan trọng” - Chủ tịch nước chia sẻ. |