Chuyện phép tắc vậy là đã rõ nhưng lời trình bày của ông lại cho thấy có điều cần bàn về phần chi phí của chuyến đi. Theo giấy phép của UBND tỉnh Cà Mau, ông đi tham quan, du lịch ở Nhật với chi phí tự túc và đúng là ngân sách đã không bị mẻ đồng nào cho việc riêng tư này của ông. Tuy nhiên, ông cũng không phải bỏ tiền túi cho chuyến đi do… “doanh nghiệp mời tài trợ hết”.
Với doanh nghiệp “không thể nêu tên vì tế nhị” ấy, ông Hữu đã vô tư nhìn nhận: Không có việc đền ơn vì họ trúng thầu “khủng” trước khi ông lên làm chủ tịch; họ muốn chính quyền hiểu hơn về tâm huyết, năng lực, hướng phát triển của họ... Ông thiệt thà đến đỗi không biết đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn để rồi tưởng là minh bạch tài chính nhưng thực ra là ông đang “khoe” một điều làm sai mà có thể ông không biết hoặc vờ như không biết.
Từ cuối năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà theo đó không cho phép các lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài. Tại thời điểm chỉ thị trên được ban hành, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan tham mưu xây dựng chỉ thị, đã giải thích cặn kẽ các nội dung liên quan trên báo Tuổi Trẻ. Đó là cán bộ lãnh đạo các cấp không được đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp. “Đây là điểm mới rất đáng quan tâm, bởi việc cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng để lobby không lành mạnh” - ông Vĩnh nêu ý kiến.
Với Chỉ thị 21, nhiều tỉnh, thành đã ban hành văn bản triển khai để kịp thời giảm thiểu tình trạng các lãnh đạo rủ nhau đi nước ngoài hà rầm bằng tiền của doanh nghiệp dễ khiến bị lệ thuộc, thiên vị, thậm chí là bị mua chuộc. Không rõ Cà Mau đã triển khai thế nào nhưng dù địa phương này có hay không có văn bản chỉ đạo thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải có nghĩa vụ chấp hành nội dung cấm đoán đã nêu ở trên của Chỉ thị 21. Điều này đồng nghĩa với việc khi nhận lời mời và tiền tài trợ của doanh nghiệp để đi Nhật thì chủ tịch TP Cà Mau đã có hành vi vi phạm Chỉ thị 21, bất kể là đi du lịch đơn thuần hay có kết hợp với việc học hỏi công nghệ để phục vụ công việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổ chức Đảng và lãnh đạo tỉnh đã có thiếu sót nếu không xem xét, có ý kiến về xử lý vi phạm của ông chủ tịch trong trường hợp đã được ông báo cáo đầy đủ thông tin.
Có lẽ chuyện như thế này không chỉ xảy ra đối với ông chủ tịch TP Cà Mau. Dư luận hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi: Chỉ thị 21 của Đảng đã được thực thi ra sao mà cấp chức vụ cỡ như ông Hữu lại có thể hồn nhiên trước công luận về chuyến đi được tài trợ của mình.