Cho ý kiến về dự thảo luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói rất ủng hộ dự thảo luật này nhưng khá thất vọng vì dự thảo luật chưa đầy đủ, chưa sửa những vấn đề cốt lõi để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
“Những quy định như biển hiệu quảng cáo nhỏ thì miễn giấy phép, quy định kiểm toán viên phải có chứng chỉ… tôi thấy chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp, chưa đến mức “cháy nhà, chết người”, sao phải sửa?” - Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Bà Ngân cũng cho rằng: Chính phủ và Bộ KH&ĐT chịu nhiều áp lực liên quan đến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh từ cộng đồng doanh nghiệp và đã cố gắng hết sức để trình dự thảo luật này.
“Thủ tướng rất hăng hái, nếu nghe nói những gì cản trở sản xuất kinh doanh là có ý kiến ngay. Tôi đồng ý có những bất hợp lý, những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành nhưng chưa cần thiết, gấp rút để sửa…” - bà Ngân nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Có những vấn đề nhỏ nhưng nếu sửa được thì sẽ có tác dụng lớn". Ảnh: CHÂN LUẬN
Giải trình ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cũng như các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Dự thảo luật đúng là có những vấn đề nhỏ nhưng nếu không sửa trong luật thì lại thành vấn đề lớn”.
Bộ trưởng Dũng thừa nhận: Nếu chưa sửa những điều như trong dự thảo luật, thì cũng chưa “cháy nhà, chết người” như Chủ tịch Quốc hội nói. “Nhưng nếu sửa được thì rất tốt cho doanh nghiệp, vì đây là những vướng mắc nằm ở trong các luật, còn nếu nằm ở các văn bản dưới luật thì lại khác”, Bộ trưởng Dũng đồng tình và nói thêm: “Chưa sửa cũng không chết ai, thôi thì để Quốc hội quyết định”.
Được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ định phát biểu chốt lại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói rằng: Ông rất kỳ vọng vào dự luật này, vì ban đầu Chính phủ đã đề xuất sửa 12 luật với 89 điều. Nhưng sau khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ, thì dự thảo luật rút xuống còn 18 điều trong ba luật là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng.
Theo ông Định, sửa các luật như dự thảo cũng tốt cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa dự thảo luật này vào chương trình kỳ họp thứ hai của Quốc hội và đề nghị lần tới, Chính phủ trình dự thảo luật khác, thậm chí có thể sửa hàng trăm điều luật cũng được.
“Tôi nói thực, Chính phủ nên xin rút để đỡ mang tiếng cho Thường vụ Quốc hội” - ông Định nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nói rằng: “Chúng ta không sợ Quốc hội mang tiếng đâu, nhưng dự luật này vẫn thiếu sót nhiều thứ như chưa có báo cáo đánh giá tác động, chưa có dự thảo các nghị định hướng dẫn và chưa có đủ thời gian để sửa các luật khác”.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Nếu vì doanh nghiệp, người dân, các cơ quan hành chính hoàn toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn việc rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, hoàn toàn có thể rút xuống còn 10 ngày cũng được”.
Bộ trưởng Dũng đồng ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ xin thông qua việc cắt bỏ 36 ngành nghề trong danh mục các điều kiện kinh doanh có điều kiện.