Sau khi lấy chồng, hơn một năm tôi chưa có em bé. Gia đình chồng cũng tỏ vẻ sốt ruột. Ban đầu tôi không để ý lắm nhưng trong một lần ngồi với bạn bè, với chồng, khi tôi đang say mê câu chuyện xã hội, chồng tôi kết luận câu: "Em là phụ nữ, em cứ làm tốt nhiệm vụ đẻ đi rồi nói gì thì nói". Tôi sững người, im bặt rồi vùng chạy khỏi bàn đó. Về nhà, tôi khóc cả buổi chiều.
Cha chồng tôi cũng phân tích với tôi tại sao chữ Hán bộ, chữ viết cho người phụ nữ đẹp lại phải có chữ "tử" đi kèm? Cụ thật sâu cay quá, tôi chỉ biết im lặng, không thể biện bạch gì.
Tôi mặc cảm vì chuyện lấy chồng lâu rồi mà chẳng có bầu bí gì mà tôi cũng không hiểu sâu về chuyện sinh sản thật. Cứ nghĩ tự nhiên sẽ có thôi. May mắn, sau đó một thời gian, tôi có bầu tự nhiên và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn. Tuy nhiên, tôi chẳng có hứng thú với chồng nữa. Tôi bắt đầu hiểu phụ nữ đẹp khi có con là như thế nào.
Hạnh phúc được làm mẹ là điều mà bất cứ phụ nữ nào cũng mong đợi.
Gần đây, một người bạn của tôi mắc chứng vô sinh hiếm muộn (VSHM) và đã làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) thành công, có được một cậu con trai kháu khỉnh ở tuổi gần 40. Bạn nói với tôi: “Tớ và khoảng 5.000 chị em hiếm muộn đang đấu tranh để chị em VSHM đi chữa chạy được hưởng bảo hiểm y tế và có chế độ hợp lý. Cậu có ý kiến gì giúp chị em không?”.
Tôi giật mình. VSHM là nỗi mặc cảm của những phụ nữ kém may mắn đường con cái, nó rõ ràng là một chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, cụ thể là sức khỏe sinh sản. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và hạnh phúc của phụ nữ. Phàm cái gì phải đi bệnh viện, phải can thiệp để chữa trị cho ra thì phải gọi nó là bệnh chứ. Và phàm như vậy thì phải được chăm sóc, động viên, chia sẻ chứ.
Những phụ nữ mắc chứng VSHM là ai? Họ là những người trong độ tuổi lao động, đóng góp trong các ngành nghề khác nhau. Họ cống hiến, một phần công sức lao động của họ được trích ra để vào các khoản bảo hiểm. Tại sao khi họ đi khám, chữa bệnh VSHM lại bị loại ra khỏi danh sách những bệnh được hưởng bảo hiểm?
Vì sao khám, chữa VSHM lại không được hưởng chế độ bảo hiểm?
Có rất nhiều điều muốn nói, những người không VSHM khó có thể hiểu được hết những thiệt thòi của chị em mắc phải hoàn cảnh này. Họ bị phân biệt ở nhiều nơi, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Vì sao lại như vậy?
Tôi không phụ trách ngành y tế, ngành lao động việc làm, các anh chị nào trong ngành, xin hãy chung tay với họ!
Đứng về mặt xã hội, nguyện vọng có con cần được khuyến khích. Nó giải quyết nguồn lao động, giải quyết sự phát triển sau này của xã hội. Các nước phát triển, tỉ lệ vô sinh rất lớn. Nó làm già hóa dân số và không có nguồn lực để làm động lực phát triển.
Những người phụ nữ VSHM nói với tôi họ sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét vấn đề đối xử với họ công bằng trong các chính sách chăm sóc sức khỏe. Tôi nói tôi ủng hộ họ, nếu làm được gì, tôi sẽ cố gắng làm giúp họ!
Còn bạn, bạn giúp gì được họ không? Bởi có thể, chính trong gia đình bạn, thậm chí chính bạn có thể sẽ mắc phải chứng này và gánh chịu những mặc cảm không đáng có. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm chữa trị chứ không phải lủi thủi trong nước mắt, trong nỗi đau, trong sự thiệt thòi.