Sáng 4-5, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần (trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên”.
3 nhóm nguyên nhân
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG TP.HCM thông tin: Mỗi năm trên thế giới có khoảng 41.000 người tự tử, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2019 chiếm 7,5% dân số. Thậm chí thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Buổi tọa đàm diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, thu hút sự chú ý của các sinh viên. Ảnh: TÚ NGÂN |
Theo PGS.TS Trần Thành Nam có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thứ nhất là nguyên nhân sinh học, tự tử do bị ảnh hưởng bởi mức serotonin thấp trong não. Tỷ lệ tự tử và cố gắng tự sát cao trong số cha mẹ và người thân của những người cố gắng hoặc hoàn thành việc tự sát.
Thứ hai nguyên nhân đến từ xã hội. Nạn nhân không có khả năng hòa nhập bản thân vào xã hội, gia đình căng thẳng và gãy vỡ. Cá nhân tự cảm thấy mình lạc lõng, vô giá trị, là gánh nặng cho người khác...
Thứ ba là nguyên nhân tâm lý. Trầm cảm đóng vai trò quan trọng dẫn đến tự tử. Nỗi buồn gia tăng là một dấu hiệu tâm trạng thường xuyên của những người tự tử thành công. Cảm giác lo lắng, tức giận và xấu hổ, tuyệt vọng cũng là dấu hiệu mạnh mẽ hơn khiến cá nhân quyết định tự tử.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần có giải pháp can thiệp kịp thời
Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi tự tử ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) đã đưa một số giải pháp cho thực trạng trên: “Mỗi cá nhân cần nhìn nhận lại tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cần tăng cường nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên, BS tâm thần, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội cơ sở để đối phó với các vấn đề sức khỏe tinh thần dưới mức nặng ở các trường học và các trung tâm Bảo trợ xã hội. Cần mở rộng mô hình sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa các trường hợp có khả năng tự tử với sự phối hợp đa ngành. Tăng cường vai trò nòng cốt của Bộ giáo dục, giảm bớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học”.
ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TÚ NGÂN. |
Tại đây, ThS.BSCKI Giang Ngọc Thụy Vy cũng nhấn mạnh: “Cần chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường, công tác xã hội ở tất cả các trường học. Khi đó, mô hình này cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết trong nuôi dạy con, giao tiếp với con cái. Cùng với đó, đẩy mạnh vai trò của truyền thông trong định hướng và hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên”.