Chương trình OCOP tại Đồng Tháp đạt nhiều kết quả ấn tượng

(PLO)-  UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội nghị sơ kết chuyên đề Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, chương trình OCOP tại Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Toàn tỉnh hiện có 581 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 464 sản phẩm đạt 3 sao, 116 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.

Số lượng chủ thể OCOP đã tăng lên 246, với hơn 42% là phụ nữ. Đáng chú ý, 67% chủ thể OCOP đang kinh doanh qua các kênh hiện đại và 100% sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Mới đây, có 35 sản phẩm của 20 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được trao Giấy chứng nhận đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2024.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp và chuyên gia vào chuỗi sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát huy vai trò cầu nối của các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ chủ thể OCOP nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, và kết nối thị trường hiệu quả hơn.

Chương trình OCOP không chỉ góp phần khai thác tối đa tiềm năng địa phương, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo của người dân và phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị kinh tế nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp.

chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp
Đồng tháp xác định Chương trình OCOP là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Ảnh: HD

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, chương trình OCOP sẽ tiếp tục được tỉnh Đồng Tháp xác định là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh tập trung phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, không chỉ gia tăng số lượng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Mục tiêu là có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và gắn với các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu chương trình OCOP phải hướng tới tích hợp các giá trị xanh, tuần hoàn và phát triển đa giá trị, phù hợp với xu hướng bền vững.

Đồng thời, các sở, ngành và chủ thể OCOP cần chú trọng xây dựng sản phẩm đặc trưng gắn với làng nghề địa phương, thúc đẩy thương mại điện tử và tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy sản phẩm OCOP của tỉnh trong giai đoạn tới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ số trong bán hàng, đặc biệt là thông qua tương tác trực tiếp trên nền tảng livestream; phát triển sản phẩm theo hướng xanh và bền vững; xây dựng vùng nguyên liệu đặc trưng; và thường xuyên khảo sát nhu cầu thị trường để điều chỉnh sản phẩm phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm