Hỏi:
Em điều khiển ôtô bị cháy đèn tín hiệu ở sau nhưng không biết. Khi bật đèn tín hiệu để xin chuyển hướng sang phải (nơi giao nhau cùng mức); đèn không hoạt động nên bị cảnh sát giao thông bắt. Khi cảnh sát dừng xe thì em đưa bóng đèn xuống thay thì vẫn hoạt động bình thường vậy có được gọi là trường hợp bất khả kháng không hay vẫn bị lập biên bản xử phạt?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Chuyển hướng xe, Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Với trường hợp của bạn; bạn đang điều khiển ô tô rẽ phải nhưng đèn tín hiệu của bạn bị hỏng nên không sáng. Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông kiểm tra thì đèn vẫn hoạt động bình thường. Trong trường hợp này, bạn không thể chứng minh được là đèn tín hiệu của bạn bị hỏng. Do đó, bạn vẫn bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với lỗi chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ chứ không được coi là trường hợp bất khả kháng.
Về mức phạt đối với người điều khiển xe không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 5 Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Theo quy định trên, nếu tại nơi đường giao nhau cùng mức mà bạn chuyển hướng mà không có tín hiệu báo rẽ thì bạn sẽ bị phạt lỗi chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ. Và mức phạt tiền của bạn trong trường hợp này là từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.