Hồ nước này chính là vực “không đáy”.
Để giải đáp những thắc mắc, chúng tôi tìm đến cụ Trần Văn Mão (80 tuổi) thủ từ đền Đức Thánh Tiên Ông. Cụ Mão cũng là người gốc gác trong làng, nên cụ am hiểu rất rõ những câu chuyện được cha ông xưa kể về nguồn gốc của vực “không đáy”.
Theo cụ Mão, cách đây cũng hàng trăm năm, người dân nơi đây xây chiếc đền này, sau khi đền được xây dựng người ta đào ở phía trước mặt một cái giếng con. Sau nhiều trận lũ lụt đê bị vỡ, nước ở phía xã Tượng Lĩnh bên trên theo một cái cống gọi là Cống Phùng đổ thẳng nước về đây.
Nó tạo thành một cái xoáy sâu, hút toàn bộ cát xuống đáy tạo thành một cái vực nước. Trải qua rất nhiều năm, người ta khai thác cát dưới hồ để xây nhà cửa, hồ nước trở thành một cái vực rất sâu. Nhưng điều kì lạ là, mặc dù được khai thác rất nhiều lần với số lượng lớn, nhưng không hiểu sao cát ở dưới lòng vực lại nhiều đến vậy, có khi lên đến hàng trăm vạn m3. Nhưng giờ cát hết, vực trở thành một cái hồ chứa nước cho bãi Phù Đê và Quang Thừa.
Điều đặc biệt là ở vực nước sâu rất nhiều cá, thời kì trước, ở đây là nguồn cung cấp cá làm thức ăn cho toàn bộ vùng Tượng Lĩnh. Theo lời cụ Trần Văn Bản (75 tuổi) người dân trong thôn Phù Đê thì những ngày mát trời, cá nổi lên trắng xóa cả mặt hồ.
Những người cao tuổi trong làng cho rằng nước từ vực không đáy là do nguồn nước ngầm từ những ngọn núi ở chùa Hương chảy ra. Vì vậy nên không bao giờ có chuyện nước bị tát hết hoặc cạn đi. Cũng chính lí do đó, những năm xã Tượng Lĩnh bị hạn hán thì chính nguồn nước từ vực không đáy đã cung cấp nước cho toàn bộ ruộng đồng của những người dân nơi đây.
Đa số do sảy chân khi đang chơi đùa, hoặc rửa chân tay rồi bị rơi xuống vực nước, lạ thay là cứ rơi xuống là bị chìm nghỉm. Như cô gái 19 tuổi đó những người dân trong thôn đã nhanh chóng đến nơi cứu vớt, nhưng không thể tìm thấy xác.
Đến khi người nhà phải thuê một đội thợ lặn tận Hải Phòng lên để tìm vớt xác cháu, mới tìm thấy sau 4 ngày ròng rã. Điều kì lạ là khi vớt lên, xác cô gái vẫn không hề có dấu hiệu bị phân hủy. Nhiều người dân trong thôn cho rằng, có thể cháu được “thủy tề” che chở nên xác vẫn còn như mới chưa bị biến dạng.
Còn một câu chuyện ly kỳ khác lưu truyền về vực không đáy là cứ đúng 7 năm một lần thì vực “không đáy” sẽ “bắt” đi một người. Cụ Mão cũng kể rằng nhiều năm nay, cứ 7 năm một lần sẽ có một người phải bỏ mạng ở vực không đáy bất kể là trai hay gái, già hay trẻ.
Thế nên người dân địa phương không còn dám bén mảng ra khu vực hồ để tắm, hay chơi đùa nữa. Trẻ con cũng bị bố mẹ quản lí nghiêm ngặt. Nhưng theo cụ Mão thì đó cũng chỉ là sự trùng hợp chứ không có chuyện như vậy được. Tất cả là do vực quá sâu nên khi ngã xuống nguy cơ tử vong rất cao.
Ông Trần Đức Dục, trưởng thôn Phù Đê cho biết: “Thực ra những câu chuyện về vực không đáy cũng là do người dân không biết được độ sâu của vực nên cứ đồn rằng nó “không đáy”. Và việc có nhiều người chết ở đây cũng là do nước sâu, lại xoáy người lớn cũng khó mà thoát được đừng nói trẻ con nên rất dễ mất mạng”.
Ông Dục cũng cho biết thêm: Hiện nay vực không đáy được UBND xã Tượng Lĩnh cho thầu làm hồ nuôi cá, ngoài ra vào những ngày mùa, hồ nước vực không đáy còn là nơi cung cấp nước cho cả cánh đồng của thôn Phù Đê và các thôn lân cận. Thôn cũng cảnh báo nguy hiểm đến những người dân về sự nguy hiểm khi đến gần khu vực hồ.
Theo An Ninh Thủ Đô