CUỘC CHIẾN CỦA CHÍNH QUYỀN VỚI THIÊN TAI - BÀI 2

Chuyên nghiệp hóa phòng chống thiên tai

Ông Benjamin Temple, một nhà xã hội học người Anh, đến Việt Nam lần đầu từ năm 1989, chia sẻ rằng mặc dù là một nước công nghiệp phát triển nhưng Anh vẫn bị thiên tai tấn công thường xuyên, gây nhiều thiệt hại. Tuy vậy, tổn thất về người thì hầu như không có. Theo ông, đó là nhờ một số nguyên nhân như công tác dự báo thời tiết được thực hiện tốt, có hệ thống cảnh báo sớm và hoạt động truyền thông hiệu quả.

Nhìn lại hiệu quả truyền thông về thời tiết

Ông Temple cho biết: “Về dự báo thời tiết, chúng tôi có những trung tâm thuộc chính phủ và có cả các công ty tư nhân tham gia vào hoạt động này. Thông tin dự báo thời tiết được phân chia làm nhiều loại cho nhiều nhóm người sử dụng. Loại thì cung cấp miễn phí, loại được bán rẻ cho báo chí, truyền hình, phát thanh, loại thì bán cho những công ty thương mại có nhu cầu về thông tin chuyên sâu”.

Bên cạnh đó, điều cực kỳ quan trọng là hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin thời tiết, cảnh báo mưa lũ, hướng dẫn sơ tán... đến người dân. Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn (Trung tâm KTTV Quốc gia), đề xuất mở một kênh truyền hình dành riêng cho môi trường, thời tiết, phủ sóng toàn quốc (cả đất liền và các vùng biển). Ngoài ra, trong bản tin thời tiết, phát thanh viên cần biết nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần những thông tin quan trọng, đồng thời giải thích rõ để khán giả dễ tiếp thu và ứng dụng được kiến thức.

Chuyên nghiệp hóa phòng chống thiên tai ảnh 1

Cơn sóng thần ngày 26-12-2004 đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng, trong đó Indonesia là nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Ảnh: www.sciaf.org.uk

Rất nhiều khán giả cho rằng công tác truyền thông thời tiết của truyền hình, báo chí Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Bản tin dự báo thời tiết giống như “báo cáo thời tiết”, thậm chí không cung cấp được cho người xem cả những kiến thức khí tượng thủy văn sơ đẳng. Chẳng hạn, bản tin hay dự đoán chung chung “nhiều mây”, “có mưa vài nơi”, “sáng sớm có sương mù nhẹ”. Nghe thế, không mấy người hiểu rằng - theo một số chuẩn quốc tế - “nhiều mây” tức là mây chiếm 6%-7% diện tích bầu trời (bao phủ trên địa phương đang xét), “có mưa vài nơi” tức là 2%-5% diện tích khu vực có mưa, “sương mù nhẹ rải rác” tức là 15%-35% diện tích khu vực có sương mù.

Đó là chất lượng của các dự báo thời tiết, còn những thông tin hướng dẫn người dân cách đối phó với thiên tai, tình huống khẩn cấp thì lại càng thiếu. Nhà xã hội học Benjamin Temple nhấn mạnh vai trò của chính quyền là cung cấp kiến thức về môi trường, thông tin thời tiết và khi có thiên tai thì phải phổ biến cảnh báo sâu rộng. “Thậm chí cần hướng dẫn những việc hết sức cụ thể như phải làm gì khi có mưa lớn, không nên lái xe khi trời mưa lũ, không nên vượt barrière của cảnh sát giao thông v.v... Những hướng dẫn này cần được duy trì liên tục trên hệ thống truyền thông mỗi khi thiên tai xảy ra”.

Thu Hồng, cựu biên tập viên truyền hình, hiện là du học sinh tại Anh thì nhận xét: “Phát thanh viên thời tiết của truyền hình ở Anh quốc đa dạng lắm, trẻ 24-25 tuổi có, già 60 tuổi cũng có. Phong cách ăn mặc của họ có vẻ không trịnh trọng như ở Việt Nam. Họ không dùng từ chuyên môn, nói dễ hiểu, tất nhiên là rất nhanh, thông tin dồn dập, vì họ chỉ có khoảng 1 phút thôi. Họ luôn tỏ ra hiểu rõ những gì mình nói. Những gì họ nói rất đơn giản. Ngoài ra, họ cũng dùng đồ họa động, chẳng hạn chỉ rõ mây bay từ chỗ này tới chỗ kia… làm khán giả rất dễ hình dung” .

Phối hợp tốt giữa các lực lượng

FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ) có đưa ra một số tư vấn cho các nước đang phát triển về vai trò của chính quyền trong phòng chống thiên tai. Theo đó, chính quyền cần biết tổ chức để các cơ quan phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt cần có sự liên kết chặt chẽ với khối tổ chức dân sự và khu vực tư nhân trong cả hoạt động cứu hộ, cứu nạn lẫn cứu trợ.

Chuyên nghiệp hóa phòng chống thiên tai ảnh 2

Những người thợ lặn của Công ty vận tải tư nhân Trường Thành trầm mình xuống nước tìm chiếc xe bị lũ cuốn trôi. Trang bị của họ hết sức đơn sơ. Ảnh: MAI KỲ

Thái Lan có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp gồm cả quân đội và các tình nguyện viên làm các nhiệm vụ sơ tán người và tài sản, cung cấp lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm cho dân, cứu người bị mắc kẹt... Khối dân sự ở nước này (các hội đoàn, nhà chùa, nhà thờ…) khá lớn mạnh nên tham gia rất có hiệu quả. Mỗi xã vùng lụt có một bếp ăn di động do các tổ chức xã hội (phi chính phủ), các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các chùa nấu cơm để phát đến từng hộ gia đình còn ở lại trong vùng bị ngập.

Ở Anh, theo chia sẻ của ông Benjamin Temple, cũng có một lực lượng cứu hộ phi nhà nước hoạt động rất mạnh. Đó là hệ thống trực thăng cứu hộ mà các thành viên đều là tình nguyện, nòng cốt là nhân viên quân đội sau giải ngũ, phi công, y tá… Họ được trang bị đầy đủ và đặc biệt được huấn luyện để làm công tác cứu hộ chuyên nghiệp. Hoàng tử William cũng tham gia đội này, mới đây đã hoàn thành chuyến bay thử đầu tiên (hôm 2-10). Đây là một tổ chức dân sự. Tất cả hoạt động của họ đều dựa vào nguồn tài chính từ việc gây một quỹ từ thiện.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với lũ lụt hằng năm nên việc phòng chống thiên tai đang trở thành cấp thiết. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khuyến cáo thêm: Về dài hạn, việc cần thiết phải làm là bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn vốn đang ngày càng bị thu hẹp (độ bao phủ còn không đầy 10%) như hiện nay.

Việt Nam  ứng phó kém với bão có sức gió trên 200 km/giờ

Chính phủ đã giao Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng mô hình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn theo hướng có lực lượng chuyên trách, có đơn vị chuyên trách kể cả ở trung ương và địa phương. Lực lượng này được huấn luyện tốt, bài bản, được trang bị hiện đại để ứng phó với các sự cố. Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư mua sắm thêm nhiều phương tiện cứu hộ cứu nạn chuyên dụng, hiện đại. Cụ thể, mua thêm hai chiếc máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn hiện đại của Pháp, bay được xa và bay được trong thời tiết xấu. Lực lượng bộ đội biên phòng đóng mới 10 tàu. Các tỉnh ven biển đến năm 2020 mỗi tỉnh có ít nhất hai chiếc tàu cứu nạn. Bộ Quốc phòng đang triển khai dự án đóng năm chiếc tàu cứu nạn xa bờ. Cảnh sát biển đóng bốn chiếc tàu đa năng, hiện đang triển khai đóng hai chiếc rồi. Các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu sẽ đóng năm chiếc tàu chuyên dụng, đồng thời được trang bị ứng phó với sự cố tràn dầu. Bộ Công an có dự án 1.000 tỉ đồng mua trang thiết bị cứu hỏa. Dự án này đã thực hiện được một nửa, cho lĩnh vực cứu nạn trong cứu hỏa.

Chúng ta cũng đang đầu tư cho các trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn ở đảo và quần đảo: Trường Sa, Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ và sẽ tiếp tục trang bị cho các đảo: Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô trong những năm tiếp theo.

Tôi cho rằng với trang thiết bị và lực lượng hiện có, kể cả sự bổ sung trong tương lai gần, nếu gặp bão mạnh có sức tàn phá ghê gớm như bão Nagis có sức gió 200 km/giờ, đổ bộ vào Myanmar hoặc sóng thần như ở Indonesia, động đất ở Trung Quốc và Haiti, thực sự chúng ta sẽ gặp khó khăn, sẽ lúng túng và hiệu quả ứng phó kém.

Trung tướng NGUYễN SƠN HÀ, nguyên Chánh văn phòng
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn
trả lời phỏng vấn báo
Thanh Niên ngày 23-10-2010

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm